Một góc trung tâm thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) nhìn từ trên cao. TP. Sơn La nằm trong vùng karst hóa mạnh (là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn), địa hình chia cắt phức tạp, núi đá cao xen lẫn đồi, thung lũng, lòng chảo. Diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, thế đất dốc dưới 250 chiếm tỷ lệ thấp.
TP. Sơn La hiện là đô thị loại II, được thành lập theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 3/9/2008 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Sơn La. Hình ảnh Quảng trường Tây Bắc rộng khoảng 15ha, nơi thường diễn ra các sự kiện quan trọng của tỉnh.
Quảng trường nổi bật với Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc". Tượng được đúc bằng đồng, cao 7,9m, thể hiện được thần thái, trang phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm lịch sử Bác về thăm, nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La.
Nằm bên quảng trường còn có tòa nhà của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Hành chính công, Cục Thuế tỉnh Sơn La...
Với diện tích 323,51km2, thành phố này có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường: Chiềng An, Chiềng Cơi, Chiềng Lề, Chiềng Sinh, Quyết Tâm, Quyết Thắng, Tô Hiệu và 5 xã: Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Ngần, Chiềng Xôm, Hua La.
Theo kết quả điều tra dân số từ năm 2019, TP. Sơn La có 172.861 người. Trong đó có 85.835 nam và 87.026 nữ. Sơn La là một trong 3 tỉnh nghèo nhất Việt Nam khi số hộ nghèo luôn cao nhất trong những năm qua (với 42.147 hộ nghèo năm 2023).
Nằm trên đường 3/2 là sân bóng cùng tên. Ngay gần đó là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Sơn La, Cung Văn hóa Thiếu nhi, sân vận động tỉnh.
Cách quảng trường chưa đầy 1km là khu đô thị mới với hàng trăm căn biệt thự, nhà liền kề cao cấp cùng trung tâm mua sắm hiện đại. TP. Sơn La còn có 9 dự án đang tìm chủ, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn là Khu dân cư Phiêng Khá (28ha, 2.450 tỷ đồng); Khu dân cư Tây Nam thành phố (46ha, 1.028 tỷ đồng) hay Khu dân cư đầu tuyến tránh Quốc lộ 6 (36ha, gần 1.000 tỷ đồng)...
Một căn biệt thự được lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Theo nội dung đề án, giai đoạn 1 (đến năm 2025), Sơn La dự kiến phát triển 600 MWp điện mặt trời, trong đó có 500 MWp điện mặt trời mặt đất, 100 MWp điện mặt trời mái nhà.
Đầu tháng 1/2024, Sơn La khánh thành và thông xe tuyến đường mang tên Võ Nguyên Giáp dài 2,2km, rộng 31m, bề rộng mặt đường 21m. Đây là dự án lớn, trọng điểm, kết nối giao thông từ trung tâm TP. Sơn La, khu vực Quảng trường Tây Bắc, Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La với Quốc lộ 6 tuyến tránh, là cửa ngõ phía Tây của thành phố.
Với diện tích 14.125km2, tỉnh miền núi ở phía Tây Bắc này chiếm 4,27% tổng diện tích Việt Nam, đứng thứ 3 trong số 63 tỉnh thành phố. Sơn La hiện vẫn là một trong ba tỉnh nghèo của cả nước (tính theo số hộ nghèo).
Trước đó, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5 huyện nghèo thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ (Chương trình 30a).
Kết quả trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Sơn La giảm từ 17,83% xuống còn 14,17% (tương đương 42.147 hộ), giảm 3,66% so với năm 2022, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (giảm 3%/năm). Sơn La cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng gấp đôi so với năm 2020.