- Trước ý kiến của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn rằng họ có công trong việc tìm ra thủ phạm thật của vụ án, xứng đáng được thưởng, Bộ Tư pháp cho biết pháp luật hiện hành chưa có cơ chế thưởng trong trường hợp như vậy.

Làm oan thì hùng dũng, bồi thường thì căn ke

Sáng nay, ông Nguyễn Thanh Chấn, người chịu án oan 10 năm, đã nhận được lời xin lỗi công khai của Tòa án NDTC, mà đại diện là ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh tòa phúc thẩm Tòa án NDTC, trước sự chứng kiến của gia đình và người dân xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đây là động thái được đánh giá cao của các cơ quan tư pháp, song hành trình đi đòi bồi thường oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn và người thân vẫn còn gian nan. Cách đây một tháng, gia đình ông đã làm việc lần hai với Tòa án NDTC nhưng vẫn vướng mắc ở chuyện cung cấp giấy tờ chứng minh chi phí bỏ ra trong 10 năm kêu oan.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Chiến, người vợ đã có công kêu oan cho chồng Nguyễn Thanh Chấn trong 10 năm qua. Ảnh: T.Nhung

Vấn đề này được VietNamNet đặt ra với Bộ Tư pháp trong buổi họp báo chiều nay. Ông Nguyễn Văn Bốn, quyền Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước chân thành nhận định: Bồi thường oan sai là vấn đề mới và khó ở Việt Nam, những người thực thi luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước cũng là vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

"Luật đang quy định theo mô hình phân tán. Các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chịu trách nhiệm bồi thường liên quan đến tố tụng, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm phối hợp và đang rất tích cực để giải quyết các vụ việc nổi cộm, trong đó có vụ ông Chấn. Đó là nguyên nhân dẫn đến bồi thường chậm", ông Bốn nói.

"Quy định của luật về thiệt hại, mặc dù đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng vẫn có những việc đặt cho người bị hại phải chứng minh. Nhưng nếu các cơ quan không làm đúng luật thì cũng không thể lấy được tiền bồi thường cho người bị hại. Đó là vấn đề mà các cơ quan nhà nước phải xem xét, người ta đã được bồi thường thì các thủ tục cũng nên thông thoáng".

Từ thực tiễn đó, ông Nguyễn Văn Bốn cho biết sẽ phải tiến hành tổng kết 5 năm thi hành luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, dự kiến vào cuối tháng 9 tới, để đề xuất QH sửa đổi cơ bản luật này, khắc phục bất cập.

Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp, ông Trần Tiến Dũng cũng cho biết đây là vấn đề được các cơ quan liên quan trăn trở nhiều, và trong quá trình sửa luật sẽ tiếp thu phản ánh hợp lý của báo chí và nhân dân.

Cũng trong vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn, ngoài những khó khăn về thủ tục đòi bồi thường, gia đình người bị oan này cũng cho rằng họ có công trong việc góp phần tìm ra thủ phạm thực sự của vụ án, nên được nhà nước trả công, khen thưởng.

Nhận định vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Bốn, luật Trách nhiệm Bồi thường nhà nước hiện chỉ quy định về việc bồi thường thiệt hại, chưa có cơ chế thưởng. "Cơ chế này có thể nằm ở các luật khác", quyền Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước nói.

Ông Trần Tiến Dũng cũng nhận định: Hiện tại chưa có cơ chế thưởng trong trường hợp gia đình ông Chấn đúng là có công, "nhưng đây là một vấn đề đáng lưu ý khi sửa đổi pháp luật liên quan đến vấn đề này".

Chung Hoàng

‘Địa phương nhiều oan sai, lãnh đạo còn tại vị không?’
Đề nghị tách tạm giữ, tạm giam khỏi công an
Bộ trưởng Công an: Án oan sai giảm đáng kể
Chủ tịch nước: Không để có án oan, bỏ lọt tội phạm
Bức cung, nhục hình chủ yếu trong án hình sự
Cấm điều tra viên bức cung, dùng nhục hình