Quốc hội chiều nay đã nghe tờ trình, báo cáo thuyết minh và báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Thảo luận tại điểm cầu TP.HCM chiều nay, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng cần sớm thông qua 2 hiệp định vì sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Ông dẫn chứng, các dòng thuế về 0% sẽ tạo cơ hội cho hàng hoá Việt Nam vào châu Âu nhiều hơn, DN và người Việt Nam được tiếp cận hàng hoá châu Âu với giá cả phải chăng, chất lượng tốt. Ký kết sớm cũng sẽ thu hút được dòng đầu tư nước ngoài có chất lượng từ châu Âu.
ĐB Trần Hoàng Ngân |
Để hiệp định đi vào cuộc sống, ĐB Trần Hoàng Ngân đưa ra 4 khuyến nghị.
"Ta ký 12 hiệp định FTA, gần đây nhất là CPTPP nhưng tuyên truyền đến DN thì ít người hiểu các hiệp định này. Bộ Công thương nên đi vào đối tượng cụ thể, không chỉ cho DN hiểu mà cả đội ngũ cán bộ nhà nước", ông nêu.
Về hoàn thiện thể chế, hiệp định đòi hỏi phải hoàn thiện văn bản luật trước đây, Chính phủ cũng như Quốc hội phải xây dựng lộ trình đồng bộ sửa hệ thống luật pháp để triển khai thuận lợi hơn.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) bày tỏ sự trân trọng với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành đã làm việc rất nhiều, chuyên nghiệp trong 10 năm qua để đạt được thỏa thuận với EU.
"HIệp định này EU đã phê chuẩn trước, thể hiện niềm tin của EU đối với nước ta. Hai hiệp định này tạo ra thời cơ vàng để Việt Nam vươn lên, gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong vài thập kỷ tới", ĐB Nghĩa nói.
Tuy nhiên, muốn trở thành một nước phát triển có 2 vấn đề lớn mà ĐB Nghĩa tin rằng 2 hiệp định này sẽ giúp vượt qua.
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Ký kết EVFTA mới bắt đầu cuộc đua chứ không phải là bắt đầu bữa tiệc |
Thứ nhất, phải có những bước phát triển nhất định trong công nghiệp 4.0, trong nền kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Thứ hai, nền kinh tế VN phải có đủ năng lực để đối phó với các nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống như đại dịch toàn cầu Covid-19 đang diễn ra.
Ông Nghĩa đặt vấn đề: "Thời cơ đang đến nhưng có tận dụng, phát huy biến thời cơ thành hiện thực được không thì lại là vấn đề. Kinh nghiệm hội nhập 20 năm qua cho thấy, chúng ta có những ưu điểm nhưng cũng có những điểm yếu trong biến thời cơ thành hiện thực".
“Chúng ta bắt đầu cuộc đua chứ không phải là bắt đầu bữa tiệc, nếu không thành công vẫn có thể tụt hậu. Chúng ta có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình và khi đó, với 2 hiệp định này, tiệc thì người khác ăn còn nợ chúng ta phải gánh”, ông Nghĩa nói.
EVFTA không phải là con đường miễn phí
Cùng quan điểm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng giống như con đường cao tốc hội nhập với EU, EVFTA sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bấm nút phê chuẩn hiệp định, cũng là bấm nút thông xe cho con đường cao tốc quan trọng này. Tuy nhiên, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để đoàn xe DN và cả nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, hiệu quả.
Để DN và nền kinh tế có thể lên đường cao tốc hội nhập, ĐB Thái Bình cho rằng, phải làm ngay những đường gom, lối mở để vào cao tốc. Đó chính là luật, nghị định, thông tư nội luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó.
“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, để cao tốc có nhiều xe, chúng ta không chỉ cần những đường gom, lối mở mà cần nâng cấp cả những con đường thể chế khác: Đường liên tỉnh, liên thành, nội đô, nội thị, đường xã, đường làng... để tăng tốc cho các DN và nền kinh tế của chúng ta. Con đường thể chế là con đường chính sách và thủ tục cho các hoạt động kinh tế, kinh doanh”, ông Lộc lưu ý.
Ông Lộc cũng cho rằng EVFTA không phải là con đường miễn phí, để DN và đất nước tận dụng được những cơ hội từ đường cao tốc EVFTA, chúng ta phải đầu tư.
Trần Thường
Thủ tướng đề nghị chưa tăng lương cơ sở và lương hưu từ 1/7
Đề nghị QH xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.