Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Nga tiếp tục căng thẳng. Và sự chuyển động của
các phương tiện chiến tranh - từ chiến đấu cơ của Mỹ tới vũ khí hạt nhân Nga -
cũng tương tự.
TIN BÀI KHÁC:
Vậy một cuộc chiến thực sự sắp xảy ra?
Theo CNN, không ai ở Nga, NATO hay Mỹ đã tiến xa chừng đó. Thế nhưng, ngôn
ngữ và hành động từ cả hai phía đều leo thang, làm gia tăng quan ngại về một
cuộc chạy đua vũ trang mới trong bối cảnh hai bên liên tục công kích nhau.
Một máy bay bém bom Tu-95 Bear của Nga bị một chiến đấu cơ Typhoon của Không lực Hoàng gia Anh áp tải trong một vụ chặn hồi tháng 9/2014. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh) |
Cả hai nước đều tuyên bố các động thái của mình chỉ mang tính phòng vệ và là phản ứng cần thiết trước sự gây hấn của đối thủ. Nhưng chưa bên nào nhắc đến một cuộc xâm lược.
Tuy nhiên, đó không phải là những gì một số chuyên gia lo lắng. Họ cho rằng, một nỗi sợ lớn hơn là những gì có thể xảy ra, một cách tình cờ, khi các lực lượng quân sự ngày càng mạnh "dàn hàng" sát cạnh nhau.
Một phần cần phải nhắc tới là bản chất khó đoán trước của các chủ thể khác, chẳng hạn như lực lượng li khai thân Nga ở đông Ukraina. Và nguy hiểm nằm ở khả năng một điều gì đó có thể bất ngờ "chệch hướng", khi các đội quân hùng mạnh trở nên hiếu chiến hơn.
"Do tốc độ các hoạt động quân sự của Nga trong năm qua, bạn sẽ chứng kiến thêm các vụ tương tác, thêm khả năng nhiều thứ diễn tiến xấu đi", Steven Pifer thuộc Viện Brookings ở Washington nhận định.
Rõ ràng hành động ăn miếng trả miếng về quân sự giữa hai bên đã gia tăng trong tuần qua.
Hải quân Mỹ nằm trong thành phần tham gia một cuộc tập trận đổ bộ của NATO ở
Thụy Điển. Cùng lúc, Bộ trưởng Không lực Mỹ Deborah James thông báo có thể cử
thêm một số chiến đấu cơ tân tiến nhất tới châu Âu để phô diễn sức mạnh.
Những ngày qua, Lầu Năm Góc đã luân chuyển các máy bay ném bom B-2 và B-52,
chiến đấu cơ F-15C và A-10 cùng với nhiều tài sản của Hải quân và Lục quân qua
châu Âu để tham gia tập trận cùng đồng minh. Ông James cho biết, chiến đấu cơ
hàng đầu của Lầu Năm Góc là F-22 Raptor có thể sẽ sớm tham gia.
Tất cả những điều này cộng với các hành động quân sự trước đó của Mỹ ủng hộ Ukraina và một số nước Baltic khiến không ít người lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin - trực tiếp hoặc gián tiếp - sẽ phản trả.
Hôm 15/6, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nước NATO "đang trượt vào một cuộc đối đầu quân sự mới với những hậu quả tàn khốc".
Nhưng phía Moscow không phải là không có những hành động quân sự của riêng mình. NATO thông báo đã chặn hơn 400 máy bay quân sự Nga chỉ trong năm 2014 - tăng 50% so với năm trước đó. Hồi tháng 5, phi cơ Nga còn áp sát máy bay Mỹ với khoảng cách chỉ 3m trên không phận quốc tế ở Biển Đen.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nay tỏ rất ít dấu hiệu ông sẽ nhượng bộ.
"Nếu có kẻ đe dọa các vùng lãnh thổ của chúng tôi, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải chĩa các lực lượng vũ trang của mình" về phía mối đe dọa đó - hãng thông tấn Sputnik dẫn lời ông Putin tuyên bố hôm 16/6. "Chính NATO đang tiến tới các biên giới của chúng tôi, chứ không phải chúng tôi đang di chuyển tới một nơi nào đó".
Và người đứng đầu điện Kremlin lại làm nóng dư luận khi mới đây tuyên bố sẽ
bổ sung 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân của Nga.
Giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu hiện đang cân nhắc một vòng cấm vận bổ sung mà họ sẽ
áp đặt lên Moscow nếu Nga tăng cường các hoạt động quân sự ở Ukraina. Các nhà
chức trách Mỹ đặc biệt lo ngại các cuộc tập trận quy mô lớn của Nga sát gần
Ukraina dự kiến diễn ra trong mùa hè này. Đó sẽ đợt mới nhất trong một loạt các
cuộc diễn tập hoặc ở sát biên giới Ukraina, hoặc mô phỏng các cuộc tấn công quân
sự, trong đó có tấn công hạt nhân, nhằm vào châu Âu.
Phương Tây tin rằng họ cần phải đáp trả tương tự - và do vậy các cuộc tập trận của NATO với các đồng minh Baltic như Estonia được tăng cường. Phía Mỹ còn dự định đưa pháo tới các căn cứ trong khu vực.
Gần như mỗi nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm ngăn cản Putin đều dẫn tới một phản
ứng trái ngược: thêm các cuộc tập trận, thêm sự quyết đoán và không nhượng bộ
trước các yêu sách từ phương Tây.
Thanh Hảo