Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 10/4, dự thảo nghị quyết của cả Nga và Mỹ về việc điều tra vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria đều không được thông qua, theo Reuters.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh phương Tây đang thảo luận các biện pháp quân sự có thể tiến hành nhằm tấn công lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad về vụ tấn công nghi là bằng chất độc chết người hồi cuối tuần trước ở khu vực do quân nổi dậy kiểm soát.
Dự thảo của Nga, Mỹ về Syria đều thất bại (Ảnh Reuters) |
Người đứng đầu Nhà Trắng hôm qua cũng hủy chuyến đi dự định tới Mỹ Latinh vào cuối tuần này để tập trung vào việc xử lý vấn đề Syria. Hôm 9/4, ông Trump cảnh báo sẽ có phản ứng nhanh, mạnh một khi xác định được người chịu trách nhiệm về vụ tấn công hôm 7/4 ở Syria.
Trên mặt trận ngoại giao, Nga đã bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo tại Liên Hợp Quốc nhằm lập ra một cuộc điều tra mới để tìm ra người chịu trách nhiệm về vụ tấn công ở Syria. Tiếp đó, Mỹ và các nước khác lại chặn dự thảo do Nga đưa ra nhằm thiết lập một cuộc điều tra riêng rẽ, trong đó yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gánh trách nhiệm.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng quyết định của Washington trong việc đưa ra nghị quyết có thể là báo trước một cuộc tấn công nhằm vào Syria của phương Tây. Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố, việc thông qua dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo là việc ít nhất các nước thành viên có thể làm. Đề cập tới Tổng thống Syria Assad, đại sứ Mỹ tuyên bố: "Lịch sử sẽ ghi lại rằng, vào ngày này Nga chọn bảo vệ một con quỷ thay vì người dân Syria".
Kể từ khi xung đột bùng phát ở Syria, Moscow luôn phản đối việc phương Tây tấn công Syria và đã phản đối hành động của Hội đồng Bảo an về Syria 12 lần.
Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương trong vụ nghi là tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 7/4 tại thị trấn Douma, một nhóm cứu trợ Syria cho hay. Các bác sĩ và nhân chứng nói, nạn nhân có dấu hiệu nhiễm độc, có thể là chất độc thần kinh, và có mùi khí chlorine.
Hoài Linh
Ngày này năm xưa: Tháo ngòi nổ vụ chiến cơ Mỹ, Trung đâm nhau
Ngày 11/4/2001, Trung Quốc đồng ý thả 24 quân nhân Mỹ, sau khi Washington "rất lấy làm tiếc" về việc phi công Trung Quốc thiệt mạng trong vụ va chạm giữa máy bay hai nước.
Ngày này năm xưa: Biểu tượng của Saddam Hussein bị kéo đổ
Ngày 9/4/2003, bức tượng cao 12m của Tổng thống Saddam Hussein trên Quảng trường Firdos tại thủ đô Baghdad của Iraq bị kéo đổ.
Ám ảnh vụ máy bay đột ngột thủng lỗ trên cao hàng nghìn mét
Bốn người, trong đó có một em bé 8 tháng tuổi, đã bị hút khỏi máy bay chở khách TWA sau khi một vụ nổ làm toác một lỗ lớn trên thân máy bay.