Theo TASS, trong ngày 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, quân đội nước này đã thành công đẩy lùi các đợt phản công của Ukraine trong 3 ngày qua, đồng thời khiến đối phương thiệt hại nặng nề.
"Ukraine đã triển khai cuộc phản công được hứa hẹn từ lâu, nhưng chúng ta đã phá tan nỗ lực của đối thủ. Họ không đạt được mục tiêu nào và phải chịu tổn thất lớn", ônng Shoigu nói.
Ông Shoigu cho biết, dù cuộc phản công của Kiev không đạt được mục tiêu, nhưng vẫn gây ra tổn thất nhất định với Nga. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này đã mất 71 binh lính, 15 xe tăng và 9 xe chiến đấu bộ binh trong quá trình ngăn chặn lực lượng Ukraine.
Tuy nhiên, ông Shoigu nhấn mạnh, thiệt hại của Ukraine là lớn hơn nhiều so với Nga. "Trong 3 ngày qua, đối phương đã mất hơn 3.700 binh lính, 52 xe tăng và 207 xe bọc thép", ông Shoigu nói.
Các nước châu Phi lập phái đoàn hoà giải xung đột
Theo Guardian, trong ngày 6/6, văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo, phái đoàn gồm lãnh đạo 6 nước châu Phi sẽ bắt đầu sứ mệnh hoà giải xung đột Ukraine vào giữa tháng 6.
"Các lãnh đạo châu Phi sẽ trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về một lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài ở khu vực", văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết.
Theo thông báo này, phái đoàn hoà bình của châu Phi gồm Tổng thống 6 nước là Nam Phi, Zambia, Senegal, Cộng hòa Congo, Uganda và Ai Cập. Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky đều đã đồng ý tiếp đón phái đoàn.
Nga và Ukraine tranh cãi vụ vỡ đập tại Liên Hợp Quốc
Theo Reuters, trong ngày 6/6, Nga và Ukraine đã đề nghị tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sau khi đập Kakhovka ở Kherson bị vỡ. Trong cuộc họp, đại sứ Nga và Ukraine đã lên tiếng cáo buộc lẫn nhau, trong khi Mỹ không chắc chắn về bên phải chịu trách nhiệm.
"Cuộc phá hoại có chủ đích của Kiev là cực kỳ nguy hiểm, có thể coi là hành vi khủng bố. Họ muốn gia tăng căng thẳng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và lấy đi nguồn nước của bán đảo Crưm", đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói.
Ở chiều ngược lại, đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya cho rằng Nga mới bên có hành động khủng bố nhắm vào cơ sợ hạ tầng quan trọng. "Không thể làm vỡ đập từ bên ngoài bằng pháo kích, Nga đã dùng mìn để làm nổ con đập", ông Kyslytsya nói thêm.
Trong khi đó, phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói rằng "Washington chưa thể kết luận nguyên nhân đập bị vỡ, và không chắc chắn về phe phải chịu trách nhiệm".