Đến huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, không ai không biết đến chiếu cói. Sản phẩm này đã trở thành một phẩm vật quý giá xếp ở vị trí hàng đầu trong số những vật phẩm tiêu biểu của các địa phương trên cả nước. Vì vậy, người dân nơi đây luôn nâng niu, trân quý cây cói như một báu vật.

Song, nhiều thách thức đã đặt ra đối với người làm cói Nga Sơn như biến đổi khi hậu, hạn hán kéo dài... làm cho diện tích trồng cói bị thu hẹp, sản lượng cói bị giảm sút, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thay thế các sản phẩm được làm từ cói Nga Sơn...

Trước bối cảnh đó, nhiều người con Nga Sơn đã tìm ra những giải pháp mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế và mở rộng thị trường cho cây cói. 

Sản phẩm chiếu cói của Nga Sơn.

Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đóng trên địa bàn xã Nga An đã tiên phong trong việc cải tiến, nâng tầm sản phẩm truyền thống từ cây cói để trở thành những mặt hàng tiêu dùng được ưa chuộng khắp trong và ngoài nước.

Ông Tôn chia sẻ, để sản phẩm đến được các thị trường khó tính phải đáp ứng được các điều kiện sản xuất, an toàn cho công nhân hay công tác bảo vệ môi trường đều phải bảo đảm nghiêm ngặt. 

Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mở ra cơ hội phát triển cho công ty. Hiện, các sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường quốc tế, như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Áo, Úc, Séc...

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, đến nay công ty có 2 xưởng sản xuất, tổng diện tích mặt bằng 15.000m2, thu hút 300 lao động lao động thường xuyên làm việc tại công ty và hơn 10.000 lao động là những người giàu kinh nghiệm trực tiếp làm ra hơn 50 sản phẩm khác nhau.

Điều đáng nói là công ty có 5 sản phẩm làm bằng nguyên liệu từ cói đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Công ty đang tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện 3 sản phẩm lên hạng OCOP 5 sao.

Bên cạnh các sản phẩm OCOP làm từ nguyên liệu cói, huyện Nga Sơn cũng phát huy tiềm năng từ đất đai, thổ nhưỡng để phát triển sản phẩm OCOP từ quả dưa, như: “Dưa lưới Vạn Hoa”, “Dưa vàng Vạn Hoa”; “Dưa hấu xứ đảo Mai An Tiêm” đã được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. 

Nga Sơn còn chú trọng phát triển nhóm thực phẩm chế biến, như “Giò nạc Tâm Thạnh”, “Chả lụa Tâm Thạnh”, “Nem chua Thanh Lan”, “Nem thính Thanh Lan”; “Đông trùng hạ thảo tươi”, “Đông trùng hạ thảo khô”, “Rượu đông trùng hạ thảo”, “Đông trùng hạ thảo ngâm mật ong”, “Yến chưng đông trùng hạ thảo”...

Đạt được kết quả trên là do những năm qua, huyện Nga Sơn luôn xác định mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. 

Đồng thời, có các cơ chế hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của từng xã, thị trấn cũng như vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP. Tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh như: hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng nhà lưới, nhà màng 70 triệu đồng/1.000m2; hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến sản phẩm OCOP. Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện cùng các ngành, các xã, thị trấn tổ chức cho các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tham gia các hội chợ triển lãm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; mở 1 cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Nga Sơn...

Có thể nói, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Nga Sơn đã đạt được những kết quả tích cực, có tác động quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững và hòa nhịp với xu thế phát triển của thị trường, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. 

Sản phẩm OCOP đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí Kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.  

Riêng năm 2022, huyện Nga Sơn đã có thêm 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm toàn huyện lên 28 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 19 sản phẩm đạt 3 sao và 9 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, huyện đang trình Trung ương công nhận 3 sản phẩm xếp hạng 5 sao. Nga Sơn đang là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP.

Nhận thấy những giá trị của Chương trình OCOP, từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 - 2025, huyện Nga Sơn đang tiếp tục quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP để lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. 

Đồng thời hỗ trợ tích cực cho các chủ thể về hồ sơ, thủ tục và các vấn đề liên quan để giúp các chủ thể tự tin hơn khi tham gia chương trình. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng tạo điều kiện cho các chủ thể về các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho sản xuất, xây dựng quầy hàng bán sản phẩm OCOP ở các vị trí thuận lợi. 

Tập trung đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. 

Huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu hàng năm có thêm từ 8 - 10 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận và tiếp tục xây dựng nâng hạng các sản phẩm OCOP hiện có nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị thu nhập cho các chủ thể, góp phần vào mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ông Lê Văn Dậu, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho hay, năm 2023, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, các mô hình liên kết sản xuất gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm; xây dựng các xã an toàn thực phẩm và các chỉ tiêu kiểm soát thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện phải đăng ký kinh doanh, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Huyện chỉ đạo các xã tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2023, huyện có 5 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.

Văn Cảnh, và nhóm PV, BTV