Mới đây, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 - 2025 và trao bằng công nhận xã Giao Tân, Giao Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. 

Theo đó, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo. Nhờ đó, diện mạo nông thôn đổi thay theo hướng hiện đại, môi trường ngày càng sáng - xanh - đẹp và an toàn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 giảm còn 1,29%. 

Đến nay, toàn huyện đã có 17/22 xã, thị trấn được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao; 3 xã được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu là Giao Phong, Giao Thịnh, Giao Tân. Xã Giao Phong được Bộ NN&PTNT lựa chọn thí điểm là một trong 3 xã của cả nước xây dựng xã nông thôn mới thông minh. 

Một góc của huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.

Sở dĩ đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, huyện Giao Thủy đã bám sát và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của các cấp, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết, Chỉ thị và Kế hoạch về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, từ đó chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện. 

Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi người dân.

Ngay sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2017, Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

Trong quá trình thực hiện từng tiêu chí, cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của từng người dân, doanh nghiệp huy động nguồn lực hơn 990 tỷ đồng, trong đó trực tiếp đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền trên 600 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn hiến hơn 320 nghìn m2 đất, góp trên 130 nghìn công lao động và ủng hộ trên 100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, huyện và các xã, thị trấn tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về trường học, giao thông, thủy lợi, trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất, nước sạch vệ sinh môi trường.

Trao bằng công nhận xã Giao Thịnh, Giao Tân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục năm 2022.

Trong xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng. Huyện đã tổ chức lập Quy hoạch sử dụng đất huyện Giao Thủy thời kỳ 2021 - 2025, cùng nhiều quy hoạch gắn với các Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, phát triển để huyện trở thành một cực tăng trưởng mới của tỉnh. 

Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối vùng miền. Theo đó, các tuyến đường giao thông từ huyện tới xóm, hạ tầng thủy lợi, lưới điện, cơ sở vật chất trường học, văn hóa, thông tin, hạ tầng thương mại nông thôn, y tế và nước sạch, vệ sinh môi trường được quan tâm đầu tư.  

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, không có điểm kết thúc, huyện Giao Thủy phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn toàn huyện với chủ đề “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”. 

Phấn đấu năm 2023, huyện Giao Thủy đạt huyện nông thôn mới nâng cao, năm 2025 đạt nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn trên địa bàn huyện hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; là miền quê đáng sống, thực sự là cực tăng trưởng mới của tỉnh và sớm đạt các tiêu chí đô thị loại 3.

Văn Giáp, và nhóm PV, BTV