SCMP cho biết thị trường vệ tinh định vị Trung Quốc dự báo tăng trưởng nóng trong thời gian tới khi nước này đẩy mạnh sử dụng và mở rộng hệ thống Bắc Đẩu sang các thị trường bên ngoài.

Theo Hiệp hội Dịch vụ Dựa trên Vị trí và Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu Trung Quốc (GLAC), giá trị của các dịch vụ định vị vệ tinh và dựa trên vị trí của Trung Quốc đạt 74,2 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 7,09% so với năm 2022.

Trung tâm của ngành công nghiệp này là hệ thống định vị Bắc Đẩu - đối thủ của hệ thống định vị toàn cầu GPS do Mỹ khởi xướng. 

011c5c40 bf70 477e aea0 4373a5b737a8_219ba1ce.jpeg
Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc chính thức được công nhận vào tháng 11 năm ngoái. Ảnh: SCMP

Báo cáo cho biết, với sự phục hồi dần dần của sự phát triển kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số và nâng cấp thông minh trong các ngành công nghiệp khác nhau, nhu cầu về thiết bị định vị vệ tinh và dữ liệu không gian cũng tăng vọt trong năm ngoái. Hiện tại ngành có hơn 20.000 thực thể tham gia thị trường, tạo ra gần một triệu việc làm.

Vệ tinh Bắc Đẩu đầu tiên được phóng lên quỹ đạo vào năm 2000, đến nay hệ thống này đã nâng cấp đến thế hệ thứ ba và cung cấp dịch vụ cho các đối tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn dắt.

Bắc Đẩu và GPS là hai trong số bốn dịch vụ định vị vệ tinh chủ yếu trên toàn cầu, ngoài ra còn có GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu.

Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Trung Quốc, Bắc Kinh và Moscow nhất trí tăng cường hợp tác ứng dụng Bắc Đẩu và GLONASS, một phần trong nỗ lực củng cố quan hệ đối tác thám hiểm vũ trụ, chẳng hạn như xây dựng phòng nghiên cứu quốc tế trên Mặt Trăng.

Trước đó, vào năm 2018, hai nước cũng đã có khung thoả thuận hợp tác sử dụng “Bắc Đẩu và GLONASS cho mục đích hoà bình”.

Hệ thống định vị của Trung Quốc được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế công nhận vào tháng 11, trở thành hệ thống định vị vệ tinh phổ biến cho các chuyến bay dân dụng trên toàn cầu.

Bắc Đẩu được sử dụng rộng rãi trên các điện thoại thông minh, thiết bị đeo và các sản phẩm tiêu dùng khác. Năm ngoái, 98% điện thoại thông minh sản xuất tại đại lục đều hỗ trợ chức năng định vị này.