Các loại bom dẫn đường GPS lần đầu tiên được sử dụng tại chiến trường Afghanistan, đã tăng đáng kể độ chính xác của các đợt tấn công. Song, chúng đã gặp “khắc tinh” trong xung đột Nga - Ukraine.

Hồi sinh các loại vũ khí cũ

Vào những năm 1990. Mỹ nghiên cứu bom “thông minh” dẫn đường bằng GPS. Đến năm 2000, vũ khí này được trang bị thêm cánh bật ra cho phép nó lướt về phía mục tiêu để tăng phạm vi tấn công. Độ cao thả bom càng cao, chúng có thể lướt càng xa.

Đến năm 2010, Boeing và SAAB phát triển loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), gắn động cơ tên lửa cùng loại với hệ thống HIMARS hiện nay. Tên lửa đẩy giúp quả bom đạt độ cao đáng kể, khiến GLSDB có tầm bắn lên đến 150 km

Dựa trên nguyên lý dẫn đường như trên, Hải quân và Không quân Mỹ đã xây dựng JDAM, còn gọi là vũ khí tấn công trực tiếp, thành bộ đuôi gắn ngoài có chứa hệ thống điều hướng và bộ điều khiển hướng dẫn hệ thống định vị toàn cầu để cải thiện độ chính xác của bom trong mọi điều kiện thời tiết. 

JDAM là ví dụ điển hình cho việc áp dụng công nghệ mới làm hồi sinh các loại vũ khí cũ. Bộ thiết bị gồm máy thu GPS, chip điều khiển và cánh lái được gắn vào những quả bom không có điều khiển thông thường, chẳng hạn như Mk-82, Mk-83 hay Mk-84, để tạo ra hệ thống vũ khí dẫn đường chính xác.

Tháng 9/2022, không quân Ukraine bất ngờ tiết lộ họ đang sử dụng tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM) AGM-88 do Mỹ sản xuất, có khả năng phóng từ tiêm kích MiG-29 và Su-27. Đến tháng 12, Kiev tiếp tục được Mỹ viện trợ bom dẫn đường JDAM. 

Sau khi được thả khỏi máy bay, JDAM tự động điều hướng đến toạ độ được chỉ định. Toạ độ mục tiêu có thể được tải lên máy bay hoặc phi công nhập liệu thủ công trước khi tấn công hoặc tự động nhập thông qua cảm biến. Theo công bố của nhà phát triển, ở điều kiện lý tưởng nhất như đạt đủ độ cao và có dữ liệu GPS, bom JDAM có sai số dưới 5 mét.

Thất bại toàn diện 

Tuy nhiên, theo các tài liệu của chính phủ Mỹ bị rò rỉ vừa qua, JDAM tại chiến trường Ukraine liên tục trượt mục tiêu. Tình trạng này cũng lan sang các loại tên lửa dẫn đường khác, chẳng hạn như rocket GMLRS từ bệ phóng xe M142 HIMARS. Nguyên nhân được chỉ ra là do hoạt động tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu sóng vô tuyến.

Nga đang là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tác chiến điện tử. Moscow nhận thức rõ việc phương Tây sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác, đặc biệt là dẫn đường bằng vệ tinh, do đó họ thực hiện nỗ lực đáng kể để vô hiệu hoá lợi thế này. Các thông tin cho biết, quân đội Nga có khoảng 5 lữ đoàn áp chế điện tử.

Trong đó, gây nhiễu GPS là hoạt động phổ biến nhất. Tháng 12/2022, Wired đưa tin các thành phố của Nga tiến hành gây nhiễu tín hiệu GPS để ngăn chặn các đợt tấn công bằng máy bay không người lái từ phía Ukraine.

Giới chuyên gia đặt ra giả thuyết lực lượng tác chiến điện tử của Nga có thể sử dụng các hệ thống gây nhiễu như Krasukha-4, Pole 21-E hoặc R-330Zh Zhitel phát trên tần số GPS khiến những quả bom không thể sử dụng dữ liệu tham chiếu để điều hướng.

Vũ khí JDAM có hệ thống dẫn đường quán tính dự phòng (INS), với khả năng đưa quả bom đến mục tiêu trong phạm vi 27,5 mét bằng một nửa thời gian, đủ để tiêu diệt các mục tiêu như kho chứa nguyên liệu và đạn dược, pháo binh hay các phương tiện vũ khí bọc thép hạng nhẹ. 

Song, INS không đủ chính xác để tấn công chống lại mục tiêu cần công phá trực diện như xe tăng và boongke. Một giả thuyết nữa được đưa ra là các JDAM chuyển cho Ukraine không bao gồm hệ thống INS dự phòng này. Ngoài ra, cũng cần kể đến khả năng những chiến đấu cơ bay quá thấp khiến các quả bom, sau khi mất GPS, không đủ thời gian và khoảng cách để điều chỉnh lại hướng bay.

Để khắc phục tình trạng trên, các thế hệ JDAM mới sử dụng song song dẫn đường bằng GPS và laser. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc phải trang bị thêm các bộ chỉ định laser mới trên các phương tiện ở ngoài tiền tuyến.

(Theo PopularMechanics)

‘Tử huyệt’ công nghệ quân sự Mỹ

‘Tử huyệt’ công nghệ quân sự Mỹ

Eric Schmidt, cựu CEO Google chỉ ra “tử huyệt” của quân đội Mỹ nằm ở sự chậm chạp trong phát triển ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI và sa vào những dự án tàu sân bay tốn kém.