Đến hết tháng 9/2023, tổng dư nợ các ngân hàng trên địa bàn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Góp sức ngăn chặn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, các ngân hàng trên địa bàn huyện đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của nhân dân. 

Theo đó, một trong những giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn chính thống đó là ngân hàng cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng. Đồng thời, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị để phổ biến kịp thời, giúp nhân dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng của ngân hàng.

capture.jpg
Các ngân hàng đảm bảo nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của người dân. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng chính sách cũng không ngừng cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ, thúc đẩy hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Đến hết tháng 9/2023, ngân hàng đã phát hành 18.300 thẻ; trong đó phát hành gần 300 thẻ với hạn mức thấu chi cấp cho khách hàng là 16,6 tỷ đồng; hỗ trợ cho vay sản xuất kinh doanh 286,7 tỷ đồng.

Ông Vũ Tuân, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Mèo Vạc cho biết, thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của người dân. Đồng thời, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tích cực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường sống và mang đến diện mạo khởi sắc cho huyện vùng cao, biên giới. 

Còn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ các giải pháp, giúp các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời. 

Ông Phùng Minh Thóc, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Mèo Vạc cho biết, trên địa bàn huyện, chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai đến 100% xã, thị trấn; 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều có thể tiếp cận nguồn vốn vay. Tính ưu việt của các chương trình tín dụng chính sách là hồ sơ vay vốn đơn giản, thời gian cho vay dài, lãi suất cố định trong suốt thời gian vay. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng được tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.

Có thể nói, các ngân hàng trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nhân dân, từ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đến phát triển sản xuất nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, tín dụng chính sách đang góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn trên địa bàn huyện.

Vân Anh và nhóm PV, BTV