Ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
Theo đó, kể từ ngày 28/8, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.
Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.
Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.
Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.
Cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD ở mức khoảng 15% đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024.
NHNN cho biết, đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm; mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có các TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo.
Do đó, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, đồng thời tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
NHNN khẳng định cơ quan này vẫn luôn bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành CSTT phù hợp.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2024 của 30 ngân hàng thương mại, tổng lượng vốn cho vay đạt 12,328 triệu tỷ đồng.
4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) dẫn đầu thị trường về cho vay, với tổng dư nợ cho vay đạt hơn 6,34 triệu tỷ đồng tính đến 30/6. Thị phần cho vay của Big4 ngân hàng chiếm đến 52% tổng thị phần của 30 ngân hàng cộng lại.
Nếu tính Top 10 ngân hàng cho vay lớn nhất 6 tháng đầu năm, tổng lượng vốn cho vay của 10 nhà băng này lên tới 9,598 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 78% tổng dư nợ của cả 30 ngân hàng.
Ngân hàng BIDV dẫn đầu thị trường về lượng vốn cho vay với hơn 1,84 triệu tỷ đồng tính đến 30/6, tăng 5,9% so với thời điểm 31/12/2023 và chiếm 15% thị phần cho vay chung.
Agribank và VietinBank có dư nợ cho vay tính đến 30/6 đạt lần lượt 1,59 và 1,55 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng tín dụng 2,59% và 6,69% so với cuối năm 2023.
Vietcombank đạt dư nợ cho vay thấp nhất trong nhóm Big4 với hơn 1,35 triệu tỷ đồng, tăng tưởng tín dụng đạt 7,75%.
Xét về thị phần cho vay của 30 ngân hàng, Agribank chiếm 12,9%, VietinBank chiếm 12,64% và Vietcombank chiếm 11%.