Từ mức âm trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc trở lại kể từ tháng 3 và đạt mức tăng trưởng 6% tính đến cuối tháng 6.
Tại buổi họp báo quý II do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hôm nay (23/7), bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) thông tin, tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên đều ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng chung. Tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tăng 9,8%, lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%,…
Đối với bất động sản, tăng trưởng tín dụng tăng 4,61%, trong đó lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, bất động sản tiêu dùng tăng 1,15%.
Tính đến cuối tháng 6, gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đối với lĩnh vực lâm – thuỷ sản đã được giải ngân 100%. Trong đó Agribank dẫn đầu về quy mô giải ngân, đạt 16.738 tỷ đồng, BIDV 6.000 tỷ đồng, và Vietcombank 5.000 tỷ đồng.
Nhìn lại kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ các tháng còn lại của năm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn phải đảm bảo hai mục tiêu quan trọng nhất, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.
Để thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm đó, thời gian qua quan điểm của NHNN là điều hành lãi suất linh hoạt. Từ tháng 6/2023 đến nay, lãi suất điều hành luôn được duy trì ổn định, nhưng NHNN vẫn luôn phân tích, đánh giá xem có thay đổi lãi suất điều hành hay không, thay đổi như thế nào để phù hợp với nền kinh tế nói chung, đồng thời đảm bảo được kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cho đến nay, lượng tiền cung ứng và hút về vẫn đảm bảo hài hoà. Lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức ổn định.
“NHNN vẫn yêu cầu các NHTM giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí hoạt động và bằng nguồn lực của mình để tiếp tục khôi phục nền kinh tế bằng việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, không để doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa, cắt giảm quy mô sản xuất hoặc phải đình trệ,…”, Phó Thống đốc nói.
Chia sẻ về bài toán điều hành tỷ giá, đại diện NHNN khẳng định không thể cố định tỷ giá trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nên giải pháp trung hoà là phải tạo sự hài hoà giữa xuất khẩu và nhập khẩu, giải quyết đồng bộ chính sách tỷ giá với chính sách lãi suất; đảm bảo kiểm soát lạm phát; trạng thái cung cầu ngoại tệ.
Từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo hai mục tiêu quan trọng nhất là góp phần kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hơn 26 triệu tài khoản được xác thực sinh trắc học với CCCD gắn chip
Tại buổi họp báo, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) thông tin, tính đến cuối ngày 22/7 có khoảng 26,3 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học với CCCD gắn chip. Trong số 26,3 triệu tài khoản đã đăng ký xác thực sinh trắc học với CCCD gắn chip, có 22,5 triệu khách hàng đăng ký sinh trắc học qua app ngân hàng; 3,8 triệu khách hàng đăng ký tại quầy.
Hiện có 37 tổ chức tín dụng (TCTD) chính thức triển khai việc đăng ký sinh trắc học cho người dân qua app di động, 47 TCTD triển khai tại quầy, 25 TCTD đã gửi dữ liệu sang C06 Bộ Công an, 22 TCTD đang triển khai trên nền tảng VneiD.
NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đối với lĩnh vực thanh toán. NHNN cũng đã ban hành 7 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật các TCTD và hướng dẫn thi hành Nghị định 52 về thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, Thông tư 18 quy định chỉ được thực hiện rút tiền thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp giấy tờ tuỳ thân với thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản.