Doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh khiến nợ xấu ngân hàng cũng tăng theo. Hàng loạt tài sản thế chấp như máy móc, thiết bị, nhà xưởng đến bất động sản được nhiều ngân hàng ồ ạt rao bán.
Dày đặc đấu giá tài sản thế chấp
Ngày 6/1/2021, BIDV tổ chức bán đấu giá tài sản đảm bảo khoản nợ của một “đại gia” khoáng sản là Công ty TNHH Ngọc Linh (Bắc Kạn). Tài sản được mang ra bán đấu giá là Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, trong đó gồm cả các công trình dự án, các mỏ nguyên liệu, quyền sử dụng 14.500m2 và các tài sản khác.
Việc đấu giá tài sản trên để giải quyết khoản nợ của công ty này tại BIVD tính đến ngày 28/12/2020 là hơn 2.404 tỷ đồng (gồm nợ gốc, lãi và tiền phạt).
Ngày 25/1/2021 tới đây, BIDV sẽ tiếp tục tổ chức bán đấu giá lần thứ 8 tài sản là khoản nợ của Công ty Cổ phần nội thất Đông Á tại ngân hàng này với tổng dư nợ khoản vay hơn 26 tỷ đồng tính đến ngày 30/4/2020.
Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn của Công ty Ngọc Linh được BIDV tổ chức bán đấu giá tài sản đảm bảo khoản nợ |
Tài sản đảm bảo được mang bán đấu giá là khoảnh đất có diện tích 35.530m2 tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cùng với các công trình gắn liền với đất, máy móc và các tài sản khác.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều thông báo bán đấu giá tài sản mà BIDV phát đi. BIDV cũng là ngân hàng bán đấu giá tài sản để xử lý nợ nhộn nhịp nhất thời gian qua.
Bên cạnh BIDV, Agribank phát thông báo với tần suất dày đặc việc bán đấu giá tài sản đảm bảo để xử lý nợ. Chỉ riêng ngày làm việc đầu tiên của năm 2021, Agribank đã phát đi 3 thông báo bán đấu giá các tài sản gồm: Trụ sở Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia (số 71 ngõ 125 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa đất số 41 (diện tích 282m2), tờ bản đồ số 4 ( 4A Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3, TP HCM) và khoản nợ của Công ty TNHH Sản xuất bao bì và Xuất nhập khẩu Hưng Yên tại Agribank Chi nhánh Hưng Yên với giá khởi điểm hơn 3,5 tỷ đồng.
Ngoài BIDV và Agribank, loạt các ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank hay Techcombank, Sacombank, PVcomBank… cũng tích cực đấu giá tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu.
Nợ xấu “nhóm nguy nhiểm” tăng mạnh
“Năm nay nhiều doanh nghiệp khó khăn và tình hình nợ xấu tệ hơn song bức tranh cũng chưa phải đầy đủ. Nhiều ngân hàng không chuyển nhóm nợ nên nợ xấu ngân hàng năm 2020 có thể còn chưa đúng với thực tế. Các ngân hàng nên có sổ riêng theo dõi nợ xấu nếu không chuyển nhóm theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Nếu năm 2021 tình hình sáng sủa hơn, ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn thì ngân hàng nên tìm cách giảm lãi suất vay nhất là với những DN chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19.”, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu. |
BacA Bank là ngân hàng mới nhất vừa được chấp thuận niêm yết 708,5 triệu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Báo cáo chính thức của ngân hàng này cho biết, kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 522 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2020 và hoàn thành được 74,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong đó đáng chú ý là nợ nhóm 4 và nhóm 5 tăng mạnh. Riêng nợ nhóm 4 tăng vọt 1.462% (từ 17, 5 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 274,6 tỷ đồng thời điểm kết thúc quý III/2020).Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức thấp so với mặt bằng chung của hệ thống nhưng đáng lưu ý là tổng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của ngân hàng này tăng gần 20% so với thời điểm ngày 31/12/2019.
Một ngân hàng khác có bức tranh tổng thế rất sáng sủa và tỷ lệ nợ xấu thấp là TPBank cũng không tránh khỏi tình trạng trên.
Theo kết quả công bố ngày 2/1/2021, kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của TPBank tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, nếu xem xét con số chính thức công bố trên báo cáo tài chính, tính đến cuối quý III/2020 dù nợ xấu của ngân hàng chỉ ở mức 1,72% nhưng tỷ lệ trong hai nhóm nợ an toàn là nhóm 1 và nhóm 2 giảm đi và nợ nhóm 3, 4 và 5 đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 75,9%, nợ nhóm 4 tăng 81,7%, nhóm 5 tăng 32,97% so với thời điểm ngày 31/12/2019.
Có tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức cao, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, nợ xấu của VPBank tiếp tục tăng từ 3,42% cuối năm 2019 lên 3,65% tính đến hết tháng 9 vừa qua. Các nhóm nợ 3, 4 và 5 cũng tăng theo, trong đó tăng mạnh nhất là nợ nhóm 4 đã tăng tới 35,5%.
Đáng chú ý, tín dụng tăng, nợ xấu tăng nhưng trích lập dự phòng của VPBank tại thời điểm ngày 30/9/2020 vẫn không thay đổi so với thời điểm ngày 31/12/2020 là hơn 4.860 tỷ đồng đồng trong khi số nợ xấu tuyệt đối đến ngày 30/9/2020 gấp hơn 2 lần so với con số được trích lập này.
Còn xét chung toàn hệ thống, đến cuối tháng 9/2020, tổng nợ xấu nội bảng là 215,6 nghìn tỷ đồng, tăng 38,33% so với cuối năm 2019. Một điểm đáng chú ý là nợ xấu mới gia tăng nhanh bởi tính riêng tháng 9/2020, nợ xấu tăng thêm 16,4 nghìn tỷ đồng (tăng 8,2%) so với cuối tháng 8/2020.
Nợ xấu mới gia tăng đã đẩy tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,63% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 2,01% tại thời điểm cuối tháng 8/2020 và lên 2,14% đến cuối tháng 9/2020.
Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực kiểm soát nợ xấu và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp nhưng đến cuối tháng 10/2020 tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%.
“Nhưng đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm”, ông Tú nói.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, hệ quả từ dịch Covid-19 sẽ tiếp tục làm nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 toàn ngành lên khoảng 4,5% và sang năm 2021 có thể tăng lên 5 - 6%. Do đó, ông Lực cho rằng, kế hoạch cũng như quan điểm xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ phải thay đổi.
(Theo Báo Giao Thông)