Mỗi giờ có thêm 2,7 người mắc bệnh

Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Thị Hương, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết ung thư phổi là bệnh lý ác tính, số ca mắc mới đứng hàng đầu ở nam giới, đứng hàng thứ tư ở nữ.

Tại Việt Nam, số ca mắc ung thư phổi mỗi năm khoảng 24.000 người tương đương mỗi giờ sẽ có thêm 2,7 bệnh nhân. Hơn 20.000 người tử vong vì bệnh này. Đáng báo động, số người dưới 40 tuổi mắc bệnh ngày càng tăng.

Căn nguyên hàng đầu gây ung thư phổi là hút thuốc lá. Các yếu tố gây bệnh khác như ô nhiễm không khí, chế độ ăn, mắc các bệnh lý phế quản phổi, yếu tố gene. Có tới 80-85% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi, thời gian hút, số lượng thuốc.

Người ta nghĩ rằng nicotin gây ung thư nhưng thực chất hóa chất từ khói thuốc mới gây bệnh. Bác sĩ Hương cho biết khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó có 200 chất gây hại cho sức khỏe, hơn 60 chất gây ung thư. 

Theo bác sĩ Phương, ung thư phổi ít có dấu hiệu nhận biết từ bên ngoài. Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt tới 40-50%. Hiện nay, đa phần bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ sống trên 5 năm rất thấp.

Bệnh nhân ung thư phổi ngày càng trẻ hóa. 

Dấu hiệu ung thư phổi điển hình là ho, khạc đờm (màu vàng hoặc xanh). Bệnh nhân có thể ho ra máu hoặc khạc ra máu, khó thở. Dấu hiệu khó thở tăng dần do tắc nghẽn phế nang hoặc tràn khí màng khổi. Khi tế bào ung thư di căn xa sẽ thêm triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, đau xương, nuốt khó do khối u chèn ép thực quản, hạch trung thất. 
 
Ngăn chặn từ thuốc lá

Bác sĩ Phương cho rằng ngừng hút thuốc là cách duy nhất phòng ung thư phổi. Tác nhân ung thư phổi là do thuốc lá. Trong khi đó, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên đang báo động.

Bà Nguyễn Thị Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết không chỉ ung thư phổi mà còn nhiều bệnh lý khác từ thuốc lá. Thống kê khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Theo TS Angela Pratt, Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam, giá thuốc lá ở nước ta rẻ đến mức khó tin, thanh thiếu niên cũng mua được. Chỉ với chi phí vài nghìn đồng cho một bao không phải rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Ông Angela Pratt cho rằng chúng ta cần thay đổi để việc bắt đầu và tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ khó khăn hơn. 

Giống các bệnh ung thư khác, ung thư phổi cần được sàng lọc sớm nhất là ở người hút thuốc lá. Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), nhóm người cần quan tâm sàng lọc ung thư phổi gồm:

- Người có tiền sử hút thuốc lá, đặc biệt từ 20 năm trở lên

- Người trên 50 tuổi và từng có thời gian hút thuốc ( trên 10 năm)

- Người hút thuốc lớn hơn 20 bao/năm

- Người hiện vẫn đang hút thuốc hoặc mới bỏ trong vòng 15 năm

- Gia đình có người mắc ung thư phổi hoặc làm nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi, khói (khói nấu ăn, khói thuốc, nhang, amiăng), phóng xạ.

Đặc biệt, hiện nay, những người có tiếp xúc thuốc lá nhưng thuộc diện hút thuốc thụ động (người thân, vợ chồng, con cái…) cũng là những đối tượng cần đi sàng lọc ung thư phổi.