Archimedes L.A. Patti (1914-1998) nguyên là trưởng ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS (Cục Tình báo Chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA). Năm 1945, sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng, ông đang là thiếu tá, đã được trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ vào Bắc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tù binh Đồng Minh bị quân Nhật bắt giữ và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật.

Cuốn Tại sao Việt Nam – Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ (Why Viet Nam? - Prelude to America's Albatross) của ông (University of California Press xuất bản năm 1980, NXB Đà Nẵng in năm 2008 theo bản dịch của Lê Trọng Nghĩa) đã kể lại chi tiết hành trình của đội OSS từ Côn Minh để đến Hà Nội ngày 22/8/1945, việc chứng kiến những diễn biến sôi động của cuộc cách mạng tháng Tám và sự ra đời nhà nước Việt Nam DCCH non trẻ.

Patti cho biết, ngay buổi chiều trước Lễ Độc lập, Patii cùng Đại úy Ray Grelecki đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự bữa cơm chiều vào lúc 4 giờ 30, tại Bắc Bộ phủ. Bữa cơm có sự tham dự của các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám.

Với những quan sát của mình sau một buổi sáng dạo quanh đường phố, Patti đã ca tụng tài tổ chức của nhũng người điều khiển các hoạt động ngày hôm sau và sự hân hoan của quần chúng trong việc thực hiện các nhiệm vụ của họ.

{keywords}
Giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội ngày 25/8/1945. Ảnh tư liệu trong cuốn sách "Tại sao Việt Nam – Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ"

Ông Giám đã phấn khởi nói rằng mặc dù quỹ để tổ chức buổi lễ do Thành phố đài thọ, nhưng hiện nay thì chính nhân dân đã bỏ tiền ra thanh toán các chi phí để sửa sang, làm sạch và trang trí cho thành phố. Ông nói thêm là không phải sử dụng đến các quỹ của chính phủ và thực ra chính phủ cũng chẳng có. Ngân hàng Đông Dương và các ngân hàng phụ thuộc vẫn còn nằm trong tay người Nhật và chính phủ lâm thời cũng chẳng có cách nào để có được tiền.

Khi Patti hỏi xem trong Lễ Độc lập có diễu binh không, ông Giáp trả lời cũng muốn có một số đơn vị đi diễu hành, nhưng bộ đội “vừa mới ở rừng về” không có đủ thời gian luyện tập, nên đành phải bằng lòng với những đơn vị “sắp hàng đứng tại chỗ” vậy. Ông Hồ ngắt lời và nói điều đó không hề gì, bộ đội sẽ đến đó để cho dân chúng xem, và “quân đội nhân dân” cũng có thể xem chính phủ của họ mới được thành lập.

Những diễn biến của ngày 2/9 lịch sử của nước Việt Nam được Patti mô tả chi tiết trong chương 26 của cuốn sách, mang tên “Independence Day” (Ngày Độc lập):

Ngày Chủ nhật đầu tiên trong tháng 9 là ngày lễ các Thánh tử vì đạo của riêng hơn một triệu dân Thiên chúa giáo ở Bắc Việt Nam. Có thể cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà ông Hồ đã chọn ngày đó làm ngày lễ Độc lập. Tại các nhà thờ Thiên chúa giáo, cũng như các chùa Phật giáo, buổi lễ vẫn tiến hành long trọng, các bài thuyết pháp có thêm những ý chính trị ủng hộ chính phủ mới thành lập và nền độc lập của Việt Nam.

Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh quảng trường Ba Đình.

Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả toán dân miền núi với y phục địa phương của họ và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền.

Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón.

Cho đến tận trưa, cả toán OSS chúng tôi lăn lộn ở ngoài phố, chụp ảnh, ghi chép về các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích… Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt Nam: “Việt Nam của người Việt Nam”, “Hoan nghênh Đồng minh”, “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”, “Thà chết, không nô lệ”…

Khoảng trưa, Knapp, Bernique, Grelecki và tôi đi về phía quảng trường Ba Đình. Tôi đã quyết định từ chối lời mời của ông Hồ đến khu vực lễ đài dành cho quan khách, để đi xem buổi lễ chỉ như một người quan sát trong quần chúng. Chúng tôi chọn được một điểm thuận lợi ngay trước lễ đài giữa đám viên chức địa phương.

Trong khi chờ đợi ông Hồ và các quan chức tuỳ tùng tới, tôi nhìn thấy một toán cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh den, có cả các chức sắc mang khăn quàng và giải viền đỏ.

Cách họ không xa, là các nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu da cam, rồi đến các chức sắc Cao Đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ.

Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho bộ đội của Giáp và Chu Văn Tấn, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế “đứng nghiêm”, lúc “nghỉ”.

Ở đó còn có các đơn vị “tự vệ”, dân quân mặc áo lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp hoặc Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo một loạt các vũ khí cũng lộn xộn, từ súng kíp, gươm, dao rùa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày… Có thứ hình như họ mới lấy từ các đình, chùa ở làng ra. Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động và kinh hoàng.

Mặt trời đã lên cao. Không khí oi bức. Nhưng đôi lúc cũng có cơn gió nhẹ thổi làm phấp phới cả cái biển cờ trên quảng trường. Cao trên cột trước lễ đài, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng lớn phấp phới bay.

Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi có người đã bắt đầu xuất hiện trên lễ đài. Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô “bồng súng, chào”, quần chúng bỗng im lặng trong khi các vị chức quyền tìm chỗ đứng vào đằng sau cái bao lơn được trang trí bằng màu trắng và đỏ.

Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cà vạt và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn, mặc áo kaki màu sẫm và có cái gì như là cái khăn trùm đầu - đó là Hồ Chí Minh.

Lê Xuân, nguyên là người liên lạc của chúng tôi, đã đến và sẵn sàng bình luận, nhận xét. Anh ta cũng đã đi một vòng và cho rằng quần chúng hết sức tò mò và quan tâm đến vị lãnh đạo “mới” của chính phủ. Mọi người đều muốn biết “ông Hồ Chí Minh bí ẩn” này là ai? Ông ở đâu về?

Nhưng không phải chỉ có người Việt Nam mới không quen thuộc với cái tên đó đâu. Ngay cả đến cơ quan Bộ Ngoại giao chúng ta (Mỹ) ở Côn Minh và Trùng Khánh cũng không biết gì về vấn đề này, mặc dù là đã có nhiều báo cáo cụ thể của tôi. Một tháng sau, khi đọc một công văn của Sprouse, lãnh sự ở Côn Minh, tôi ngạc nhiên thấy còn nói đến “Ho Chi Minh”. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng đã biết tên thật của ông Hồ.

Một tiếng trong loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu “ông Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng được hướng dẫn của các đảng viên, lên tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang “Độc lập”. Ông Hồ ngồi yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn, nay thành nổi tiếng của ông với những lời:

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

{keywords}
Nhân dân Hà Nội biểu tình với các khẩu hiệu chống thực dân Pháp vào ngày 30/8/1945. Ảnh tư liệu trong cuốn sách "Tại sao Việt Nam – Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ".

Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe, nắm lấy từng lời. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì. Lê Xuân phải cố gắng lắm để dịch nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng.

Ông Hồ tiếp tục:

“Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Sau đó, quay về bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp năm 1791, nói về quyền con người và quyền công dân, ông Hồ nói:

“Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Đến khoảng 2 giờ, ông Hồ kết thúc bản Tuyên ngôn. Tiếp sau đó là Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Minh, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị - quân sự, phát triển kinh tế xã hội, chương trình giáo dục và văn hoá.

Trong các vấn đề quan hệ đối ngoại, Giáp đã vạch ra rằng Mỹ và Trung Quốc là những đồng minh đặc biệt và liên tục ủng hộ đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Điều thú vị là không thấy nói gì đến Liên Xô. Tôi không bao giờ bỏ không ghi những lời Giáp nói, nhưng sáng ngày hôm sau, báo chí Hà Nội lại đăng tin Giáp đã phát biểu: “Mỹ đã góp phần lớn nhất cho sự nghiệp giải phóng của Việt Nam và đã cùng với nhân dân Việt Nam đấu tranh chống phát xít Nhật, vì thế Cộng hoà Mỹ vĩ đại là một đồng minh tốt của chúng ta”.

Sau bài diễn văn, các Bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các Bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Dân chủ Lâm thời Việt Nam.

Mãi đến tận khuya hôm đó, báo chí địa phương mới cung cấp cho chúng tôi một bản nguyên văn lời tuyên bố của ông Hồ; chúng tôi dịch và chuyển ngay bằng điện đài cho Côn Minh. Tôi cũng gửi kèm theo bằng đường hàng không bài tường thuật và nhận định của tôi…

Sau khi các phần thủ tục kết thúc, chúng tôi cũng phải mất đến 30 phút mới tìm đường ra khỏi được nơi tập trung. Nhờ đi tắt qua khu vực Thành được dành riêng, tránh được những phố đầy người, nên chúng tôi trở về nhà Gauthier đúng vào giờ cơm chiều. Tôi đã mời tất cả các người Mỹ ở Hà Nội đến cơ quan của OSS để tham dự ngày lễ “14/7” (ý nói ngày quốc khánh như ngày 14/7 của Pháp) lặng lẽ và không pháo hoa của người Việt Nam.

Lê Tiên Long