Khó có thể phủ nhận thời gian vừa qua, Big Tech gặp không ít sóng gió. Cổ phiếu Microsoft, Amazon, Apple, Google hay Meta đều mất hàng chục % giá trị chỉ trong năm 2022. Nhu cầu mua sắm thiết bị điện tử như PC, smartphone đều giảm mạnh. Những dự báo lạc quan nhất là ngành công nghệ sẽ phục hồi từ đầu năm 2024.

Ngành công nghệ, cũng như các lĩnh vực khác, đều đang đối mặt với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế đang bị tổn thương. Trên khắp thế giới, chiến tranh, lạm phát, nguy cơ chiến sự tạo ra một môi trường mà nhiều người ngần ngại bỏ tiền cho các mặt hàng không thiết yếu. Xét tới tình hình kinh tế hiện tại và dự báo suy thoái lơ lửng, Big Tech sẽ còn khó khăn cho tới khi kinh tế toàn cầu đổi chiều.

Kỷ nguyên vàng của Big Tech đang dần phai nhạt. Nhìn vào kết quả kinh doanh quý IV/2022, Alphabet và Amazon vẫn tăng trưởng nhưng ở tốc độ chậm hơn hẳn trước đây. Doanh thu của Apple giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong các cuộc họp với nhà đầu tư, CEO Amazon và Alphabet nhấn mạnh việc tiếp tục cắt giảm chi phí. CEO Meta Mark Zuckerberg gọi 2023 là “năm của hiệu quả” và cho biết sẽ loại bỏ các tầng lớp quản lý trung gian nhằm ra quyết định nhanh hơn, năng suất hơn. 

Ngành công nghệ luôn biết cách trở lại. (Ảnh: Shutterstock)

Khi theo dõi ngành công nghệ năm qua, một số người cho rằng tương lai của các doanh nghiệp công nghệ lớn rất u ám. Nhưng theo Forbes, lịch sử chỉ ra đó có thể là một nhận định sai lầm. Trong 22 năm qua, thế giới trải qua hai cú sốc kinh tế và công nghệ lớn. Đầu tiên là vụ nổ dot.com năm 2000 – 2002, khi nhiều người tin ngành công nghệ không còn tương lai. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới, ngành công nghệ đã trở lại ngoạn mục. Chúng ta có những đột phá công nghệ quan trọng như iPhone ra đời, Internet ăn sâu vào cuộc sống mọi người, cổ phiếu công nghệ lại cất cánh.

Cú sốc thứ hai là vào thời điểm 2008 - 2009 với cuộc khủng hoảng nhà ở. Cổ phiếu công nghệ lại bị ảnh hưởng nặng nề. Suốt thời gian ấy, nhu cầu đối với công nghệ cũng sụt giảm; một số người đoán công nghệ mất đà vĩnh viễn. Dù vậy, chỉ trong vòng 2 năm, cổ phiếu công nghệ không chỉ phục hồi mà còn bật tăng mạnh mẽ với các dịch vụ Internet mới. Uber, Lyft và mạng xã hội đều vô cùng phổ biến. Tất cả các doanh nghiệp lớn ra mắt hàng loạt ứng dụng, dịch vụ trong quá trình chuyển đổi số. Động lực tăng trưởng phi thường xuất hiện trong dịch Covid-19: từ năm 2020 tới 2021, thế giới đã có 3 doanh nghiệp nghìn tỷ đô và tài sản của lãnh đạo công nghệ tăng vọt.

Sau thời gian tăng nóng, ngành công nghệ tiếp tục đối mặt thách thức. Nhưng sẽ là sai lầm nếu tin rằng nhu cầu công nghệ đã hết. Quan trọng hơn, có những lĩnh vực hứa hẹn tăng trưởng mạnh trong tương lai gần. Nhiều dự án mới đang ở quá trình thai nghén, có thể thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Big Tech không bỏ lỡ cơ hội nắm bắt sự quan tâm bùng nổ của người dùng đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để quảng bá sức mạnh công nghệ của họ. Gần đây, Microsoft ký thỏa thuận lớn với OpenAI, startup đứng sau ChatGPT, tích hợp AI vào trình duyệt Edge và công cụ tìm kiếm Bing để cạnh tranh với Google. 

Tất cả những tên tuổi lớn đều đang đưa AI vào tuyến đầu của hoạt động tiếp thị và cố gắng ra mắt sản phẩm nhanh hơn đối thủ. Zuckerberg dự định triển khai các công cụ AI mới để giúp kỹ sư làm việc hiệu quả hơn, cắt giảm một số dự án không hiệu quả hay không còn ưu tiên. Facebook vẫn đang đầu tư hàng núi tiền vào xây dựng các sản phẩm cho vũ trụ ảo, nơi công ty hi vọng sẽ là nền tảng học tập, làm việc, giải trí tiếp theo. 

Nhìn chung, năm nay và các năm về sau, Big Tech đối mặt với khó khăn chồng chất. Thế nhưng, theo hãng tài chính JP Morgan, trong cái rủi có cái may: các công ty sẽ suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh và điều này sẽ mở đường cho một kỷ nguyên bền vững hơn. Chẳng hạn, Alphabet sẽ tìm cách đa dạng hóa nguồn thu bằng cách phát triển những mảng kinh doanh không liên quan đến quảng cáo như Google Cloud; Meta sẽ tập trung vào AI, nền tảng kinh doanh và quảng cáo, metaverse.

Theo các chuyên gia của JP Morgan, cơ hội quan trọng của Big Tech năm 2023 bao gồm cơ cấu chi phí hợp lý thông qua cắt giảm nhân sự và kỷ luật hoạt động, tăng cường tập trung vào lợi nhuận và dòng tiền, nghiêng về các động lực tăng trưởng mới một cách có trách nhiệm và giành thị phần trong môi trường vĩ mô khó khăn. Như vậy, họ sẽ giảm được phần nào áp lực của năm ngoái. Và tất nhiên, ngày tàn của Big Tech, nếu có, sẽ không xảy ra một sớm một chiều.

Một năm khốn đốn của Big Tech

Một năm khốn đốn của Big Tech

Từng được xem là “miễn nhiễm” trước mọi biến động, các hãng công nghệ lớn (Big Tech) lại khiến mọi người sửng sốt khi dẫn đầu làn sóng sa thải trong năm qua.