Huyện Quỳnh Lưu nằm ở Đông Bắc tỉnh Nghệ An, cách TP Vinh khoảng 60km, là huyện có bờ biển dài gần 20km với ngư trường rộng, có nhiều tiềm năng và lợi thế để huyện đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là lĩnh vực khai thác thuỷ sản và nghề cá.
Tuy nhiên, từ năm 2018 trở về trước, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá của Quỳnh Lưu vẫn chưa được đầu tư đúng tầm.
Cảng Lạch Quèn là nơi neo đậu cho tàu thuyền của các xã Tiến Thủy, An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long... thậm chí tàu thuyền của các tỉnh khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng… cũng về đây cập bến, với tổng số tàu lên đến trên 1.000 chiếc. Nhưng thời điểm đó, cảng vẫn chưa được đầu tư nên bị bồi lắng. Toàn huyện có hơn 1.300 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có nhiều tàu lớn đánh bắt xa bờ, nhưng cảng mới chỉ đáp ứng được khoảng 500 tàu thuyền cập bến. Những thuyền lớn muốn vào cảng phải đợi mực nước thủy triều đạt đỉnh, gây nhiều khó khăn cho ngư dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Còn ở trên bờ, các cơ sở dịch vụ xăng dầu, đá lạnh, kho đông lạnh, cửa hàng phục vụ nhu yếu phẩm cũng manh mún, chật chội. Thực trạng này đã gây khó khăn cho dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, tỉnh Nghệ An đã triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Quèn và đến đầu năm 2023 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho 500-700 tàu thuyền có nơi neo đậu an toàn.
Những ngày giữa tháng 6 này, chúng tôi có mặt tại các xã vùng biển Quỳnh Lưu mới thấy Quỳnh Lưu đã có sự bứt phá về sự thay đổi hạ tầng, đặc biệt là tại các xã ven biển của huyện.
Con đường chạy từ trung tâm huyện đến cảng cá Lạch Quèn đã được nâng cấp xây dựng mở rộng, chạy thẳng đến tận cảng cá. Cảng cá cũng đã được nâng cấp, mở rộng với chiều dài của bến cảng khoảng 564m, chiều rộng thêm 1,5m; bến neo tàu cũng được xây mới; cầu tàu xây dựng dài khoảng 45m, chiều rộng 15m; ngoài ra, có 11 nhà chứa hải sản, mỗi nhà có diện tích 100m2 cũng đã được xây dựng.
Những ngày này, cảng cá luôn đầy ắp tàu thuyền neo đậu. Cứ vào sáng sớm tinh mơ, các tàu thuyền đánh bắt hải sản đã quay về cập cảng, tranh thủ chuyển hải sản lên bờ rồi bổ sung thêm hàng hoá, nhu yếu phẩm phục vụ cho chuyến ra khơi lần tới.
Nhằm từng bước phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, phát triển ngành kinh tế biển một cách bền vững, bảo vệ có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, cuối năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Theo Đề án, toàn tỉnh có 7 cảng cá được đầu tư xây dựng, nâng cấp, gồm 3 cảng cá loại 1, 2 cảng cá loại 2 và 2 cảng cá loại 3. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu có cảng cá loại 1 là Cảng cá Lạch Quèn (Xã Tiến Thuỷ và Quỳnh Thuận); 2 cảng cá loại 3 gồm: Cảng cá Quỳnh Nghĩa (xã Quỳnh Nghĩa) và Cảng cá Lạch Thơi (xã Sơn Hải).
Các cảng cá của huyện sẽ đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác tại cảng cá chỉ định, ngăn chặn các hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp phát, không báo cáo và không theo quy định.
Tỉnh Nghệ An cũng được đầu tư nâng cấp 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó Quỳnh Lưu có 2 khu neo đậu cấp vùng gồm Lạch Cờn và Lạch Quèn; 3 khu neo đậu cấp tỉnh: Lạch Thơi, Lạch Vạn và Lạch Lò. Toàn bộ các khu neo đậu đảm bảo cho 2.999 tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn, tương ứng với 92,28% tổng số tàu cá toàn tỉnh.
Ngoài ra, các luồng lạch còn được nạo vét và xây kè chỉnh trị, hạn chế cát bồi lắng nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào, không phụ thuộc vào thuỷ triều.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở cung ứng nhiên liệu, vật tư đầu vào và cơ sở thu mua chế biến sản phẩm thuỷ sản cho tàu cá được kiểm tra, hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định về nhu cầu hậu cần nghề cá. Theo đó, huyện Quỳnh Lưu sẽ được đầu tư xây dựng khu chế biến thuỷ sản tập trung và dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô 30 ha tại cảng Lạch Quèn.
Theo thông tin từ Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 cảng cá được đầu tư xây dựng, trong đó có cảng cá Lạch Quèn của huyện. Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn huyện cũng đã được đầu tư nạo vét, khơi thông. Đến nay, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn đều đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đủ điều kiện hoạt động với tổng sức chứa đạt 2.000 tàu thuyền các loại, bằng 65% công suất neo đậu so với quy hoạch...
Ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Sơn Hải cho biết, năm 2023, tổng số tàu thuyền của toàn xã là 158 chiếc, tăng 10 chiếc so với cùng kỳ năm 2022; tổng số lao động tham gia khai khác 790 người; sản lượng khai thác thuỷ sản đạt gần 3.200 tấn; tổng giá trị sản xuất đạt hơn 122 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 1.700 tấn. Đến nay, trên địa bàn xã có các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng nhu cầu khai thác hải sản. Hiện xã Sơn Hải có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm mực khô Bùi Thảo và Nước mắm cốt cá cơm nguyên chất Tuyết Hoa.
Tiến Thuỷ là một xã thuần ngư, những năm trước, kinh tế của xã còn ở mức xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế ở xã Tiến Thuỷ đã phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá từ 8-8,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Đến nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp thủy sản chiếm 67,5%; công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 32,5%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 chỉ còn 2,03%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 54,6 triệu đồng.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 712 tàu khai thác hải sản, trong đó có 344 phương tiện với chiều dài từ 15m trở lên khai thác ở vùng khơi. Các tàu cá cơ bản đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đúng thời gian quy định. Huyện Quỳnh Lưu hiện có 2 nghiệp đoàn nghề cá gồm xã Quỳnh Long và xã Sơn Hải, với tổng số 2.428 đoàn viên. Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng 280 tàu thuộc 2 nghiệp đoàn vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển, sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 50 – 55 nghìn tấn, đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Hải Yến