Tại huyện Diễn Châu, Phòng Tư pháp (Cơ quan Thường trực Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật huyện) đã thành lập fanpage “Tư pháp Diễn Châu”. Mỗi bài viết đăng tải trên fanpage đều được đầu tư công phu từ việc lựa chọn, biên soạn nội dung, hình ảnh, chủ đề đến cách thức thể hiện nên từ tháng 11/2019 đến nay, đã thu hút hàng chục nghìn người theo dõi.
Thay vì chỉ đăng tải tin bài tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các trường hợp vi phạm pháp luật để giáo dục, răn đe, fanpage cũng đã thay đổi cách thức, tập trung tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật cũng như những vấn đề người dân đang quan tâm ở cơ sở bằng cách thức thể hiện gần gũi, sinh động dễ hiểu, dễ nắm bắt. Do đó đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi, tương tác tích cực của đông đảo người sử dụng mạng Facebook.
Hiện nay, toàn huyện Diễn Châu có 223 trang fanpage trên mạng xã hội Facebook do các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp xã lập (cấp huyện 36 trang, cấp xã 187 trang), nhiều trang hoạt động rất tích cực và hiệu quả.
Tất cả các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn đều sử dụng Zalo nhóm để trao đổi, thông tin, tư vấn hướng dẫn pháp luật, chỉ đạo, quán triệt triển khai văn bản pháp luật mới. Do đó bảo đảm thông tin được triển khai kịp thời, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn tài liệu.
Còn tại huyện Quỳ Hợp, việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân cũng được chú trọng. Đặc biệt, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã tham mưu UBND huyện ký hợp đồng khai thác Thư viện pháp luật điện tử, dung lượng 30 tài khoản online và cấp cho toàn bộ cán bộ, công chức từ huyện đến cấp xã để khai thác, sử dụng.
Với tính năng ưu việt của Thư viện pháp luật nhất là nhận biết về hiệu lực của văn bản; các đường link dẫn chiếu sang các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản liên quan… đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
Cùng với đó, Phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp đã lập fanpage “Tư pháp Quỳ Hợp” để phổ biến, giáo dục pháp luật và mang lại hiệu quả khả quan.
Nội dung phổ biến được chắt lọc từ 2 nguồn. Một là các vấn đề phát sinh thực tế trên địa bàn mà người dân có kiến nghị, đề xuất, thắc mắc… cần có các cơ sở pháp lý để giải quyết như tranh chấp đất đai, thủ tục hành chính, dân sự, khoáng sản, môi trường, giao thông. Nguồn thứ hai là khai thác các văn bản mới, thông tin mới… trên Thư viện pháp luật điện tử.
Để lan tỏa thông tin tích cực, Phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp còn lập các Facebook vệ tinh. Sau khi các nội dung được đăng tải lên trang Tư pháp Quỳ Hợp thì dùng các Facebook này để chia sẻ, mở rộng thông tin.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An bước đầu đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế nhất định. Hiện nay, một số cán bộ, đảng viên còn có tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn like, chia sẻ các chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin của nhiều địa phương còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức; mạng Intenet tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng không ổn định… Kỹ năng ứng dụng công nghệ số của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở còn hạn chế.
Do vậy, để chuyển đổi số trong công tác này đạt hiệu quả, các ngành, các địa phương nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt hoàn thành mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Cần có những nền tảng phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp cho từng đối tượng, đặc biệt là đối tượng đặc thù như người dân vùng dân tộc thiểu số, biên giới, ven biển, hải đảo…
Chú trọng phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa. Xây dựng bộ câu hỏi - đáp tình huống pháp luật đúng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là ở cấp xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa....