Để góp phần đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng hiệu quả, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhằm bảo đảm cho người dân nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật. 

Tại nhiều địa phương, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhận thức cũng như sự hiểu biết của bà con về pháp luật còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích cho chính bản thân mình. 

Nguyên nhân là do nhiều địa phương mới chỉ tập trung thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật chung chung mà chưa chú trọng nâng cao năng lực sử dụng pháp luật và tự bảo vệ quyền cho người dân nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nắm bắt, hểu biết và khả năng tiếp cận pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương và đơn vị trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã thay đổi cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, tuỳ theo đối tượng, địa bàn để tìm hiểu thông tin nhằm tiếp cận pháp luật và sử dụng kiến thức pháp luật vào đời sống, đặc biệt là nhu cầu cung cấp thông tin pháp luật và kỹ năng vận dụng của các đối tượng đặc thù, yếu thế như người khuyết tật, đồng bào DTTS và miền núi, phụ nữ bị bạo lực gia đình, thanh thiếu niên…. để từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp, thực chất.

anh-minh-hoa-tuyen-truyen-phap-luat-cu-nhan-2.jpg
Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, tỉnh đã chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp theo từng đối tượng và có trọng tâm, trọng điểm. 

Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời định hướng cụ thể nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cơ quan, địa phương triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn. 

Theo đó, các cơ quan, địa phương lựa chọn nội dung pháp luật tuyên truyền, phổ biến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của tỉnh, ngành, địa phương; đồng thời chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm chất lượng, hiệu quả, trong đó ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, địa bàn vùng sâu, vùng xa, gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế - xã hội, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; có các giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đồng thời, chú trọng thực hiện truyền thông chính sách pháp luật ngay từ quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, bám sát các vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội; các nội dung về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật. 

Về nội dung, các cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thông tin, phổ biến đầy đủ quy định pháp luật đến mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn. 

Theo đó, đối với người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân thì tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, kết hợp với cấp phát tài liệu pháp luật để người dân nắm bắt các quy định pháp luật; thành lập các câu lạc bộ tư vấn pháp luật tại xã, thị trấn; xây dựng tủ sách pháp luật lưu động để phục vụ bà con ngư dân đi biển dài ngày…

Đối với nạn nhân bạo lực gia đình thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua các hoạt động như: Hoà giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, phê phán, đấu tranh, nêu gương người tốt việc tốt, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực, xúi giục, bao che, cản trở,.... 

Đối với người khuyết tật, tổ chức tập huấn, tuyên truyền bằng hội nghị và thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí các quy định pháp luật trong nước và Công ước Quốc tế về người khuyết tật ; giải đáp, tư vấn cho hội viên phụ nữ là người khuyết tật; tư vấn qua điện thoại hoặc trực tiếp giải đáp những thắc mắc về điều kiện, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ, chính sách cho người khuyết tật. 

Về hình thức tổ chức, bên cạnh các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống như hội nghị, hội thảo, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng việc xây dựng, vận hành cổng/trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đồng thời, khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội… để phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhất là việc tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Áp dụng đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai phù hợp với đối tượng, địa bàn, mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh cũng nghiên cứu, áp dụng các mô hình, giải pháp sát thực, có hiệu quả với người dân; từ đó xem xét, nhân rộng mô hình, giải pháp phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhờ tập trung đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lấy người dân làm trung tâm nên đã giúp nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân ở Thừa Thiên Huế, giúp người dân chủ động hơn trong việc tìm hiểu pháp luật.

Theo thông tin từ Sở Tư Pháp, từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp 951 cuộc, với 67.853 lượt người tham dự; tham gia 9 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, với 3.454 lượt người dự thi; số tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được phát hành 189.624 tài liệu pháp luật như tờ gấp, tờ rơi, sách, tạp chí, ấn phẩm pháp luật …; đăng tải hơn 1.534 tin, bài trên trang thông tin điện tử… Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Văn Dương và nhóm PV, BTV