Câu hỏi:
Tôi sinh ngày 7/6/1965 (đến tháng 7/6/2020 tôi đủ 55 tuổi) giới tính nam. Tôi công tác từ tháng 6/1986, có thời gian đóng BHXH trên 33 năm. Thời gian công tác nơi có hệ số khu vực 0,7 là 18 năm.
Nay tôi đủ điều kiện (có 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực) nghỉ hưu trước tuổi để hưởng chính sách theo Nghị định 108 và 113, nhưng các cơ quan chức năng trả lời: Giải quyết nghỉ hưu trước tuổi theo luật BHXH 2014; không thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Cơ quan chức năng trả lời tôi như vậy có đúng không? Nếu tôi muốn nghỉ hưu trước tuổi để hưởng một số khoản trợ cấp thì như thế nào?
Bạn đọc: Cao Thanh Thuỷ (Email: caothuyXXX@gmail.com)
Nhiều độc giả quan tâm đến việc nghỉ hưu trước tuổi, hưởng lương hưu thế nào. Ảnh minh họa I.T |
Trả lời:
Trao đổi với Dân việt về vấn đề bạn đọc hỏi, luật sư Nguyễn Thị Yến – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết:
Căn cứ tại điểm đ khoản 1 Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP về các trường hợp xét tinh giản biên chế quy định:
“1. Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
đ) Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý”.
Theo quy định trên, trường hợp độc giả là cán bộ, công chức, viên chức chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp muốn tự nguyện thực hiện việc tinh giản biên chế phải được cơ quan nơi độc giả làm việc đồng ý.
Trường hợp người lao động không thuộc diện tinh giản biên chế, muốn nghỉ hưu trước tuổi để được hưởng lương hưu phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội.
Nếu nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mức lương hưu được tính như sau:.
Được hưởng 45% mức lương bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH (lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ 2018 là 15 năm). Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Nếu nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm đi 2%.
Ví dụ áp dụng đối với trường hợp của độc giả: Năm 2020 nghỉ hưu, 55 tuổi, thời gian đóng BHXH là 33 năm thì mức lương hưu hàng tháng là:
18 năm đóng BHXH = 45%
15 năm còn lại x 2% = 30%
Bạn đọc thuộc đối tượng tại điểm b Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH do đó mức lương hưu hàng tháng được hưởng là 75% mức tiền lương bình quân hàng tháng đóng BHXH.
Để được hưởng trợ cấp một lần bạn đọc phải đáp ứng điều kiện sau: Có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
(Theo Dân Việt)