Bên cạnh những quan điểm tranh luận về việc chọn phương án 1 hay 2 của dự thảo, nhiều luật sư cho rằng cần có sự nghiên cứu kỹ tác động xã hội. 

Việc Bộ LĐ-TB&XH công bố Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 với nhiều nội dung mới nhằm lấy ý kiến dư luận xã hội, trong đó có việc đề xuất không nghỉ bù Tết Nguyên đán và thống nhất giờ làm việc trong toàn quốc đã thu hút sự quan tâm và góp ý của đông đảo người dân trong cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ- TB&XH đưa ra thêm một phương án là giữ nguyên quy định như hiện hành: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

{keywords}
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về phương án mới của Dự thảo này, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Quan điểm cá nhân tôi, việc nghỉ Tết âm lịch kéo dài như hiện nay đang khá phù hợp với tâm lý của đông đảo người lao động.

Việc có một kỳ nghỉ dài vào cuối năm âm lịch sẽ tạo ra khoảng thời gian thư giãn, vui vẻ đối với người lao động. Khi có một tâm trạng tốt thì năng suất lao động của họ sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Việc bố trí lịch nghỉ như hiện hành đang áp dụng nên giữ nguyên".

Cũng theo Luật sư Quách Thành lực, nếu có thay đổi thì cần có một nghiên cứu xã hội học đánh giá tác động tâm lý của người dân trước việc nghỉ lễ cần khoảng thời gian nào là phù hợp chứ không nên được cân nhắc đánh giá chỉ bằng các ý kiến của chuyên gia lập pháp.

"Kỳ nghỉ Tết âm lịch kéo không quá 7 ngày làm việc là tương đối hợp lý. Điều này nhằm đảm bảo cho những người lao động ở nơi xa có thời gian di chuyển" - Luật sư Quách Thành Lực nhận xét.

Về quy định thống nhất thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước với thời gian làm việc dự kiến là 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ các bộ phận đặc biệt liên quan tới liên thông công việc và tiếp dân),

Luật sư Lực cho rằng: "Theo tôi thời giờ làm việc không nên quy định chỉ một giờ làm, giờ nghỉ cho toàn quốc mà hãy để các tổ chức, cơ quan lựa chọn giờ làm phù hợp với yếu tố địa lý, phong tục, tập quán từng nơi. Dù không quy định thời giờ cố định nhưng nên quy định giờ làm việc, giờ nghỉ không được sớm hơn, muộn hơn một giờ cố định để tránh sự tắc nghẽn, thiếu liên thông giữa các cơ quan, tổ chức với nhau”.

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật TNHH Thiên Minh cho rằng: Nhật Bản và Singapore chỉ ăn 3 ngày Tết Dương lịch là 3 ngày Tết chính, ngoài ra cũng chỉ nghỉ thêm 3 ngày Tết Âm lịch chứ không kéo dài 2-3 tuần như ở nước ta.

{keywords}
Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật TNHH Thiên Minh.

Việc nghỉ quá dài sẽ làm người Việt tự đánh mất đi rất nhiều cơ hội cho mình. Vì có nhiều việc quan trọng trúng ngay ngày Tết Âm lịch, nhất là các hoạt động quốc tế.

Kèm theo đó, tôi thấy người Việt ta còn hay tư tưởng Tết dư âm. Trước Tết thì nôn nao chuẩn bị từ hơn một tháng. Trong Tết, nhất là những người ăn nhậu, chỉ muốn nghỉ nhiều cho khỏe. Sau Tết lại thiếu năng lượng và làm việc tương đối uể oải.

Ở vùng thôn quê, nhiều hộ gia đình đều là dân làm thuê, không giàu có gì, thế mà kiếm được mớ tiền về Tết là phải sắm sửa.

Trong 3 ngày Tết Âm lịch, nên gói gọn lại những tập tục cần thiết, không thay thế được như cúng ông Công ông Táo. Còn những hoạt động như bắn pháo hoa, chúc Tết,… thì làm vào Tết Tây thôi, không nên lặp lại vào Tết cổ truyền nữa để tiết kiệm”.

Về đề xuất thống nhất phương án giờ làm việc, Luật sư Diện cho hay: “Nên thay đổi giờ làm việc của các đơn vị quản lý hành chính, cơ quan giải quyết các giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ doanh nghiệp, ngân hàng làm việc từ 8h sáng đến 15h30 chiều, thông trưa và thay nhau nghỉ đi ăn trưa 30 phút.

Như vậy họ mới có thời gian để lo cho con cái gia đình vào buổi chiều. Các đơn vị như bệnh viện, trường học, bến cảng, quân đội, công an, hoặc các ngành có tính đặc thù được quyết định bởi người đứng đầu.

Điều đó mới đảm bảo những ngày nghỉ lễ vẫn được nghỉ bù và công việc vẫn được đảm bảo, chứ làm việc từ sáng đến tận 5h chiều thì sẽ vẫn như cũ thôi, tôi không thấy có điều gì mới cả”.

(Theo Dân trí)