Hôm nay, 24/3, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị phát triển giáo dục Tây Nguyên. Trong hội nghị này nhiều lãnh địa phương rất trăn trở về thực trạng thiếu giáo viên gây khó khăn cho công tác dạy và học.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Tại tỉnh Đắk Nông, phát biểu trong hội nghị, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, địa phương này hiện thiếu hơn 600 biên chế giáo viên cho các cấp học. Tuy nhiên năm vừa rồi trung ương chỉ cho 115 chỉ tiêu, quá ít so với nhu cầu thực tế.

Bà Hạnh cũng cho rằng, tỉnh Đắk Nông ngày càng thiếu biên chế giáo viên vì dân số gia tăng liên tục do tình trạng di dân tự do. 

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, hiện ở Đắk Nông việc tuyển dụng giáo viên vô cùng gian nan, rất ít người nộp hồ sơ xét tuyển. Nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng do chế độ đãi ngộ quá thấp, cũng như áp lực công việc quá lớn dẫn đến tình trạng trên.

Bà Y Ngọc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cũng lý giải nguyên nhân vì sao thiếu giáo viên ở tỉnh này.

Theo bà Ngọc, ở khu vực thành phố có thể một lớp bố trí 40 em nhưng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc mỗi lớp chỉ có 10 - 20 em nên cần rất giáo viên nhiều. 

Bà Ngọc cũng cho rằng, dù ở Kon Tum thiếu giáo viên nhưng khi tuyển dụng 200 chỉ tiêu, chỉ có 20 - 30 hồ sơ đăng ký xét tuyển .

Nói về nguyên nhân này bà Ngọc cho hay, do mức đãi ngộ đối với giáo viên là quá thấp. Ngoài ra, nhiều người trúng tuyển sau đó tìm cách về miền xuôi hoặc nghỉ việc giữa chừng.

Trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết ở đâu có học trò, ở đó phải có trường lớp, giáo viên. Tuy nhiên, việc giảm người hưởng lương ngân sách là chính sách chung, đúng đắn của trung ương. 

"Bộ ủng hộ việc phải đủ cả về số lượng và chất lượng cho giáo dục. Việc đề xuất thêm chỉ tiêu biên chế lên Chính phủ, các địa phương cũng cần cân nhắc kỹ và kiến nghị cho phù hợp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm.