Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Không quy định “tối đa” định mức giáo viên/lớp

Liên quan đến việc khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi, Bộ GD-ĐT đã triển khai rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục.

Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông.

Số biên này được ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó khăn.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xây dựng thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015 theo hướng không quy định “tối đa” định mức giáo viên/lớp, nhóm trẻ để các địa phương có cơ sở tuyển dụng, hợp đồng giáo viên bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

Bộ cũng sẽ quy định lại tỷ lệ giáo viên/học sinh theo các vùng miền; trình Chính phủ xem xét, quyết định đưa dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…

Sắp xếp lại hàng loạt cơ sở giáo dục

Về việc ban hành các chính sách đặc thù, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non khắc phục hậu quả do dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đã triển khai rà soát thực trạng chế độ chính sách với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để nắm bắt tình hình.

Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/2022 về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thời gian tới đây, bộ sẽ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Còn việc triển khai thực hiện quyết định tín dụng để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các trường tiểu học tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Sơn cho biết, theo thống kê của Ngân hàng Chính sách, tính đến ngày 15/8 mới giải ngân được 170 tỷ đồng, hoàn thành 12,1% chỉ tiêu được giao (năm học 2022 - 2023 là 1.400 tỷ đồng).

Vì vậy, tới đây Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quyết định tín dụng với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đối với nhiệm vụ tiến hành rà soát, đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, bộ đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh với mục tiêu giảm 10%.

Cụ thể, bộ đã sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

Đồng thời, giữ nguyên Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Báo Giáo dục và Thời đại; Tạp chí Giáo dục là đơn vị sự nghiệp trực thuộc, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT tổ chức lại Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM thành Phân hiệu của Học viện Quản lý giáo dục tại TP.HCM (tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục đại học).

Ngoài ra, bộ chuyển 7 trường về trực thuộc Ủy ban Dân tộc, gồm có: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang và Trường Dự bị Đại học TP.HCM, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80, Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Còn Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực được chuyển về trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ GD- ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành thay thế Nghị định số 69/2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD- ĐT.

>>Xem tin nóng: Công an Bình Dương nói về nghi vấn có cổ phần quán karaoke An Phú