Chắc hẳn mọi cha mẹ đều đồng ý rằng nuôi dạy một đứa trẻ như tham gia vào một cuộc đua. Nhưng tựu chung lại, các bậc phụ huynh đều muốn con mình có cuộc sống hạnh phúc và thành công.

Trò chuyện qua lại giữa cha mẹ và con cái ngay khi trẻ còn nhỏ mang lại nhiều lợi ích.

Khoa học hiện đại đã giúp cha mẹ xây dựng một số chiến lược hiệu quả để nuôi dạy con cái thông minh. 

Tuy vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Harvard và Pennsylvania đã phát hiện ra rằng một trong những điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái là thường xuyên trao đổi, nói chuyện với chúng.

Các nghiên cứu này chỉ ra rằng thực hiện điều này khi con còn nhỏ (từ 4-6 tuổi) sẽ giúp phát triển, bồi dưỡng và cải thiện kỹ năng giao tiếp của trẻ - một trong những kỹ năng quan trọng nhất góp phần vào sự thành công trong cuộc sống.

Hơn nữa, một số nghiên cứu khác cũng cho rằng trẻ em được xây dựng kỹ năng giao tiếp tốt ngay từ nhỏ thường có nhiều mối quan hệ lành mạnh, hôn nhân bền vững, lòng tự trọng và sự hài lòng cao hơn trong cuộc sống.

Sức mạnh của trò chuyện qua lại

Cha mẹ nên nói chuyện với con cái mọi lúc, cả trực diện và gián tiếp. Tuy nhiên, để xây dựng một cuộc hội thoại "có đi có lại" thì lại là chuyện khác.

Nghiên cứu này đã đánh giá 36 trẻ em bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để xác định sự khác biệt trong cách não bộ phản ứng với các phong cách đối thoại khác nhau.

Họ phát hiện ra rằng vùng não Broca (vùng tạo ra lời nói và xử lý ngôn ngữ) của những đứa trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện qua lại với gia đình, hoạt động tích cực hơn nhiều những đứa trẻ khác.

Những đứa trẻ đó đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về ngôn ngữ, ngữ pháp và kỹ năng thuyết trình, suy luận.

Xóa bỏ khoảng cách 30 triệu ngôn từ

Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt vào năm 1995 đã phát hiện ra rằng trẻ em từ các gia đình có thu nhập cao hơn dường như có khả năng giao tiếp và ngôn từ tốt hơn.

Trong những năm đầu đời, những đứa trẻ đó đã tiếp xúc nhiều hơn khoảng 30 triệu ngôn từ so với trẻ em của các gia đình có thu nhập thấp hơn.

Tuy vậy, nghiên cứu gần đây chỉ ra khoảng cách 30 triệu từ này không phải lúc nào cũng tốt như người ta tưởng và việc trò chuyện qua lại thường xuyên cũng tạo nên những khác biệt tương tự.

“Việc trao đổi qua lại xảy ra thường xuyên hơn ở các gia đình có địa vị kinh tế xã hội cao. Nhưng trẻ em đến từ các gia đình có thu nhập thấp hoặc trình độ giáo dục của cha mẹ thấp cũng được hưởng lợi ích tương tự từ việc trò chuyện qua lại với con cái", nghiên cứu chỉ ra.

Cải thiện toàn bộ kỹ năng giao tiếp

Nghiên cứu cũng khẳng định, cha mẹ không cần có những cuộc trò chuyện triết học hay thảo luận về vấn đề gì quá sâu sắc với con cái.

Thay vào đó, hãy thực hiện những cuộc trò chuyện thông thường nhưng đòi hỏi phải đối thoại qua lại.

Khó có thể thấy hiệu quả trước mắt của việc này nhưng trẻ sẽ được hưởng lợi đáng kể trong thời gian dài. 

Các cuộc trò chuyện tương tác giúp trẻ cải thiện toàn bộ kỹ năng giao tiếp và đó là điều cần thiết để thành công trong bất kỳ nghề nghiệp nào trong tương lai.

Bảo Huy (Theo CNBC)