Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là ngày diệt sâu bọ, thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Tại làng xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội), người dân thức dậy từ 2h, chuẩn bị đồ xôi, cơm rượu nếp để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Có mặt ở làng xôi Phú Thượng vào 2h sáng ngày 3/6 (tức ngày 5/5 Âm lịch) nhiều nhà đã sáng đèn đồ xôi chuẩn bị cho một ngày "đắt khách". Gia đình ông Nguyễn Văn Cơ và bà Công Thị Hiền, tất bật chuẩn bị đồ xôi, làm rượu nếp để kịp mang đi chợ bán sớm.
Được biết gia đình bà Hiền đã 3 đời bán xôi đến bà là đời thứ 4. Theo bà Hiền muốn nấu xôi ngon, quan trọng là phải có được nguyên liệu chuẩn. Gạo nếp phải chuẩn gạo nếp cái hoa vàng, đỗ hay lạc cũng được lựa chọn kĩ lưỡng. Sau đó đến giai đoạn chế biến cũng cần chuẩn xác, việc đồ xôi để từng hạt cơm dẻo ngon cũng cần kinh nghiệm lâu năm. Đầu tiên phải vo thật sạch gạo, sau đó ngâm khoảng 12 tiếng tùy thời tiết nóng hay lạnh, rồi mang ra đãi. Sau khi đãi xong lại bỏ vào ngâm. Phải đãi từ hai đến ba lần sao cho nước thật trong và không còn vương chút bụi nào.
Các món xôi bà Hiền bán hàng ngày rất đa dạng như: Xôi xéo, xôi đậu xanh, xôi lạc, xôi gấc, xôi ngô… Xôi được đồ qua hai lửa để xôi đạt được độ rền, dẻo. Lửa phải vừa đủ độ nóng, căn sao cho đủ thời gian thì mới có xôi ngon.
Xôi Phú Thượng luôn có độ bóng riêng do chất gạo, được gói trong các loại lá chứ không bao giờ gói trực tiếp bằng giấy báo hay giấy bóng kính. Nếu là xôi Phú Thượng ngon đúng điệu thì chỉ cần nhìn hạt xôi, ngửi mùi hương bay lên là đã nhận ra.
Được biết, làng nghề nấu xôi Phú Thượng có khoảng 500 hộ làm nghề truyền thống này, con số đó thay đổi theo thời gian. Bà Hiền bán xôi được 22 năm, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ bà chuẩn bị thêm rượu nếp cái và nếp cẩm để bán thêm. Vào dịp này, khách mua đông, các loại xôi bán được cũng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.
Hàng xôi của bà Hiền nằm trên con phố Sơn Tây (Ba Đình) mở bán từ 4h sáng đã có những vị khách đầu tiên.
Chị Na (Ba Đình, Hà Nội) là một những vị khách đầu tiên của hàng xôi chia sẻ: "Hôm nay ngày Tết Đoan Ngọ, mình đi sớm mua xôi và rượu nếp về thắp hương ngày 5/5 Âm lịch. Hàng xôi của chị Hiền đã bán ở đây nhiều năm và rất đúng giờ, hôm nay tôi đến cũng vừa lúc chị mở hàng".
Do hôm nay số lượng xôi và rượu nếp đều tăng so với mọi ngày, bà Hiền đã nhờ thêm con gái út ra bán hàng phụ giúp.
Giá nếp cái là 50 nghìn đồng trên một kg, loại nếp cẩm thì đắt hơn khoảng 70 nghìn đồng trên một kg.
Có mặt tại chợ Ngã Tư Sở vào lúc 5h30 sáng, lượng người đi chợ đông hơn hẳn các ngày thường. Trong đó những hàng hoa quả, rượu nếp... luôn thu hút đông người mua.
Mận cũng là mặt hàng được mua nhiều trong ngày này với quan niệm ăn một vài quả để "diệt sâu bọ". Theo ghi nhận của PV Dân trí, các mặt hàng hoa quả đều không tăng giá, mận hậu có giá khoảng 40 nghìn đồng/kg, vải sớm có giá 50 nghìn đồng/kg.
Với nhiều người, món ăn phải có trong ngày Tết Đoan Ngọ là cơm rượu nếp. Theo quan niệm dân gian, cơm nếp có thể diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể. Cơm nếp nồng trộn với men cay của rượu có tác dụng loại bỏ các loài ký sinh gây hại.
Tết Đoan Ngọ vào ngày đi làm nên nhiều người tranh thủ đi chợ từ sớm để sắm đồ cúng lễ. Ngoài rượu nếp, hoa quả, hoa cúng cũng là đồ lễ không thể thiếu trong ngày này.
Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống diễn ra vào 5/5 Âm lịch hàng năm. Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày 3/6 Dương lịch. Phong tục ăn Tết Đoan Ngọ có mặt ở nhiều quốc gia phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Vào ngày 5/5 Âm lịch, người dân có nhiều tục lệ như giết sâu bọ bằng cách ăn hoa quả, rượu nếp cái hoa vàng hoặc xông, tắm để gột sạch cơ thể.
Ngoài ra, trong ngày này, người dân cũng có tục làm cỗ cúng.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, năm nay cúng Tết Đoan Ngọ đẹp nhất là vào giờ Ngọ - 12 giờ trưa ngày 5/5 Âm lịch.
Tuy nhiên, nếu điều kiện công việc, thời gian không cho phép, người dân chỉ cần thắp hương cúng lễ trong sáng 5/5 Âm lịch là được, lưu ý không nên vượt quá giờ Ngọ.
(Theo Dân Trí)
Đắt nhất chợ Tết Đoan ngọ, mâm lễ cơm rượu, trái cây gần 2 triệu đồng Chợ Tết Đoan ngọ, một mâm lễ cúng gồm cơm rượu, trái cây, bánh,... có giá lên tới vài trăm nghìn đồng, thậm chí có mâm giá gần 2 triệu đồng.