Lạc quan ngược dòng
Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 CTCP Fecon (FCN) đã thông qua kế hoạch doanh thu cả năm đạt 4 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 29%, cao hơn nhiều so với mức tăng 9% trong năm 2019; lợi nhuận là 233 tỷ đồng, cao hơn so với mức 212 tỷ đồng năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Thanh, TGĐ Fecon, cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đặt ra những thách thức to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau thời gian giãn cách do Covid-19, Chính phủ đã có các quyết định quan trọng nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng đang và sẽ triển khai trong năm nay. Fecon cũng đang khởi động nhiều dự án với giá trị hợp đồng lớn. Dự kiến, doanh số ký kết hợp đồng cả năm 2020 sẽ vào khoảng 5.500 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng trong năm khó khăn 2020. |
Cùng với việc kiểm soát đại dịch thành công, Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư. Dự kiến, những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành xây dựng hạ tầng sau nhiều năm trầm lắng và các DN xây dựng có năng lực sẽ hưởng lợi từ xu thế này.
Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX) cũng vừa cập nhật kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, kết quả khả quan với mảng sản xuất cơ bản. Doanh thu từ thiết bị điện đạt gần 4,8 ngàn tỷ đồng, tương đương 37% kế hoạch năm; doanh thu mảng năng lượng đạt 309 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch. Mảng thiết bị điện Gelex ước tính lãi 238 tỷ đồng, thực hiện 41% kế hoạch trong khi lợi nhuận mảng năng lượng lãi khoảng 19 tỷ đồng.
Đại diện Gelex cho biết tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tuy có chậm hơn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng mảng cốt lõi - thiết bị điện - vẫn đạt khá cao, ước tính tăng 13% trong 6 tháng đầu năm.
Kế hoạch 2020, GELEX đặt tham vọng doanh thu 19.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 975 tỷ đồng nếu kế hoạch hợp Viglacera hòa thành. Nếu chưa có Viglacera con số doanh thu 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 735 tỷ đồng.
Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) của ông Đặng Thành Tâm cũng vừa đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay với lãi tối thiểu 816 tỷ đồng. Ở kịch bản lạc quan, lợi nhuận đạt 1.000 tỷ đồng, gần tương đương năm ngoái, trong khi doanh thu đạt 3,6 ngàn tỷ đồng, tăng 13% cho dù doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid.
Tổng CTCP Xây dựng và XNK Việt Nam - Vinaconex (VCG) đặt ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 820 tỷ đồng, tăng 4% so với kết quả đạt được năm 2019. Doanh thu doanh thu đạt 9.530 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 4%.
Doanh nghiệp trụ vững, quốc gia tăng trưởng
Trong tài liệu họp ĐHCĐ, CTCP Tập đoàn Masan - Masan (MSN) công bố doanh thu sẽ tăng trưởng trên 15% trong năm 2020, lên 75-85 ngàn tỷ đồng, cao hơn mức tăng 8,6% trong năm trước. Tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai chữ số. Lợi nhuận dự kiến sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm. Nhiều lĩnh vực của Masan đang hoạt động tốt, bao gồm cả ngành thịt, thậm chỉ cả mảng bán lẻ vừa mua từ Vingroup.
Riêng Masan MeatLife (MML) đặt ra kế hoạch tăng trưởng tới 16-30% doanh thu trong năm 2020 lên 16-18 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận ròng ước đạt từ 200-500 tỷ đồng, tương ứng gấp từ 1,7 đến 4,3 lần so với kết quả đạt được ở năm 2019.
Doanh nghiệp vượt bão, quốc gia có thêm cơ hội. |
TTC Land (SCR) đặt mục tiêu doanh thu tăng 79% lên gần 1,9 ngàn tỷ, với nhiều dự án được triển khai. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 390 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019.
Trước đó, Nhựa Hà Nội (NHH) cũng lên kế hoạch lợi nhuận năm 2020 tăng gấp 2,5 lần và dự kiến trả cổ tức 20% trong năm nay. Một số doanh nghiệp khác cũng có kế hoạch tích cực như: Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII),...
Đây hầu hết đều là các doanh nghiệp lớn và có những sản phẩm dịch vụ cơ bản trong nền kinh tế. Triển vọng khá sáng sủa nhờ sự thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam góp phần giúp các doanh nghiệp tự tin sẽ vượt qua một năm khó khăn hiếm có.
Đánh giá về cơ hội 2020, lãnh đạo FECON cho rằng, cùng với kết quả tích cực của việc kiểm soát đại dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành điểm đến tin cậy cho các Nhà đầu tư. Dự kiến, những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phục hồi của ngành xây dựng hạ tầng Việt Nam sau 4 năm trầm lắng. Luật PPP ra đời cũng sẽ là thuận lợi lớn cho DN. Lãnh đạo DN cho rằng 2020 và 2021 là hai năm bản lề để DN đột phá
Trong một dự báo mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất khu khu vực Đông Nam Á, ở mức 4,1% trong năm 2020 so với mức gần như không tăng trưởng (+0,1%) của cả khu vực châu Á.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020 của WB có những đánh giá lạc quan về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong nửa còn lại của năm 2020 dù tác động của tình trạng cách ly xã hội trong tháng 4 vừa qua là không hề nhỏ.
World Bank dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc. Xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vài tháng qua vẫn ở mức cao, gần tương đương cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam.
M. Hà