Tại Hội nghị khoa học tim mạch phía Nam 2023, PGS.TS Hồ Huỳnh Quang Trí, Viện Tim TP.HCM, cho biết người bệnh tim mạch và đái tháo đường phải gánh chịu hàng loạt biến chứng suy tim - suy thận, khiến nguy cơ tử vong tăng cao.

Theo đó, chuỗi bệnh lý tim - thận khởi đầu từ các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc…. Khi các yếu tố này không được kiểm soát tốt sẽ gây ra huyết khối, xơ vữa, tổn thương mô (nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận…).

Các bệnh lý này nếu không được điều trị tốt sẽ tiếp tục gây ra tổn thương cơ quan đích, biểu hiện thành suy tim, suy thận. Sau đó, diễn tiến sang giai đoạn cuối và kết cục là tử vong.

PGS Trí dẫn một điều tra của Mỹ năm 2020 cho thấy có 28% người bệnh tăng huyết áp trưởng thành có bệnh thận mạn tính kèm theo.

Ở châu Á, tần suất lưu hành bệnh thận mạn ở người tăng huyết áp là khoảng 20% (tại Hàn Quốc) đến 61,2% (tại Trung Quốc). Các nghiên cứu cũng cho thấy trong số những người bệnh mạch vành ổn định, khoảng 37-39% có bệnh thận mạn kèm theo.

Người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường biến chứng sang suy thận mạn giai đoạn cuối. 

Riêng ở người đái tháo đường type 2, tần suất lưu hành bệnh thận mạn rất cao. Khảo sát cắt ngang trên 11.500 người bệnh tại 33 quốc gia cho thấy 56% trường hợp có bệnh thận mạn. Nguy cơ tử vong của người bệnh khi đó cũng tăng cao.

PGS Trí nhấn mạnh người bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim và tử vong đều tăng. Suy tim sẽ tạo ra gánh nặng lâm sàng rất lớn.

Hiện nay, khoảng 50% người bệnh suy tim tử vong sau 5 năm được chẩn đoán; khoảng 60% bệnh nhân tái nhập viện trong 3 tháng đầu tiên sau xuất viện. Chất lượng sống của người suy tim nặng kém hơn người bệnh ung thư.

Ông Trí nhận định những biến chứng tim - thận trên bệnh nhân đái tháo đường là gánh nặng rất lớn, tăng nguy cơ tử vong rõ rệt. Do đó, cần có các biện pháp can thiệp sớm bảo vệ tim mạch và bảo vệ thận.

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn cần tầm soát biến chứng thận cho người bệnh đái tháo đường type 1 sau 5 năm và cho người bệnh đái tháo đường type 2 ngay sau khi được chẩn đoán. Tầm soát và đánh giá lại tối thiểu từ 6 tháng đến 12 tháng một lần. 

Giao Linh, Thu Hằng, Vũ Lụa, Quang Ninh

Bệnh nhân suy tim nhưng 3 ngày ăn hết một chai nước mắmChỉ cần ăn dư một chút muối, bệnh nhân suy tim có thể bị khó ngủ, khó thở và trằn trọc suốt đêm. Chế độ ăn uống, sinh hoạt bất hợp lý có thể đẩy người bệnh đến gần hơn với nguy cơ tử vong sau mỗi lần nhập viện.