LỜI TÒA SOẠN

Hầu hết bữa ăn của người Việt đều đang thừa muối, lượng muối tiêu thụ của mỗi người đang gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch.

Giảm muối đã được đưa vào các chiến lược, chính sách của Việt Nam như: Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, đề ra chỉ tiêu giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày vào năm 2025; Chương trình Sức khỏe Việt Nam; Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018-2025.

Với mục tiêu vì một Việt Nam khoẻ mạnh, bắt đầu bằng thay đổi thói quen nhỏ nhất trên bàn ăn của mỗi gia đình, VietNamNet xin gửi đến quý độc giả tuyến bài Người Việt ăn mặn, rước bệnh tật.

Kỳ 1: Lựa chọn ăn nhạt hay ăn ngon?

Buổi gặp gỡ đặc biệt của bác sĩ và gia đình bệnh nhân

Ngồi trong căn phòng nhỏ hẹp thuộc khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), vợ chồng anh L.V.T (47 tuổi, Tiền Giang) liên tục đặt câu hỏi với bác sĩ Nguyễn Tất Đạt. Hôm nay là ngày anh T. được xuất viện. 

Hai tuần trước, anh T. phải chuyển lên TP.HCM cấp cứu và điều trị vì suy tim. Từ chẩn đoán này, vợ chồng anh sẽ phải cẩn thận trong từng món ăn, từng loại thực phẩm cũng như phải tái khám đều đặn. Nếu chăm sóc không kỹ, anh T. có thể phải tái nhập viện, kéo theo nguy cơ tử vong tăng dần. 

Đó là điều mà bác sĩ tim mạch rất lo ngại. Vì thế, bác sĩ Đạt luôn trả lời bất kỳ thắc mắc nào của các bệnh nhân suy tim trong căn phòng này. 

“Ban đầu tôi chỉ mệt rồi khó thở đến không ngủ nổi, nhiều đêm phải ngủ ngồi. Lần đầu tiên mắc phải bệnh này nên lo lắm, những ngày qua đều ăn uống theo cơm bệnh viện cung cấp", anh T. nói.

Buổi trò chuyện của bác sĩ Nguyễn Tất Đạt và thân nhân, người bệnh suy tim. 

Một bệnh nhân suy tim khác là ông T.K.D (67 tuổi, Bình Phước), bị suy thận mạn nhiều năm qua. Mới đây, ông đột nhiên thấy khó thở và mệt, phải nhập viện huyện rồi chuyển lên TP.HCM. Người bệnh phải chạy thận cấp cứu trong 3 ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy rồi điều trị suy tim.

“Nhiều năm qua chồng tôi ăn nhạt do mắc bệnh thận nhưng thỉnh thoảng lại thích ăn mì tôm. Bác sĩ vừa tư vấn mì ăn liền không tốt cho người suy tim suy thận, từ giờ tôi phải kỹ hơn”, bà Nguyễn Thị Hảo, vợ ông D. nói.

Cùng nằm viện với 2 trường hợp trên là một bệnh nhân 70 tuổi, khá nổi tiếng ở khoa vì mức độ ăn mặn. Người này không chịu ăn theo suất ăn cung cấp cho bệnh nhân suy tim, chỉ ăn đồ bên ngoài mang vào.

"Ông cụ ăn mặn đến mức một chai nước mắm cỡ nhỏ chỉ 3 ngày là hết sạch, con cái ngăn cản là bị mắng. Chúng tôi chăm bệnh xung quanh mà choáng váng”, bà Hảo kể.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tất Đạt, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận, việc tuân thủ ăn uống là điều không dễ dàng với bệnh nhân. Chính anh cũng từng chứng kiến cảnh tương tự.

“Tôi xếp hàng đi mua bánh mì trước cổng bệnh viện và gặp một bệnh nhân suy thận mạn. Anh ấy liên tục nhờ người bán đổ thêm nước tương cho đậm đà. Trớ trêu là ngay hôm trước, tôi đã dặn anh này phải ăn nhạt, giảm muối. Bệnh nhân suy thận rất dễ chuyển thành suy tim, kéo sức khỏe ngày càng đi xuống”, bác sĩ Đạt nói. 

Thống kê cho thấy, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh suy tim chiếm khoảng 40% số lượng nội trú và 20% lượt khám ngoại trú của Khoa Nội tim mạch. Trước đây, việc tuân thủ điều trị của người bệnh là vấn đề lớn vì không có bác sĩ tư vấn kỹ càng. 

Sau khi thành lập phòng khám suy tim, bác sĩ có nhiều thời gian hơn với người bệnh và người nhà, trung bình 10 phút/lượt khám. Riêng với bệnh nhân nội trú, trước khi xuất viện sẽ có buổi gặp riêng bác sĩ trong 15-20 phút để trao đổi, hướng dẫn chăm sóc và cung cấp sổ tay quản lý bệnh nhân suy tim. 

Một bệnh nhân ngoại trú tại phòng khám suy tim. 

Giảm gánh nặng bệnh tật từ thay đổi trong bữa ăn 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Văn Chiêu, Phó trưởng khoa Nội tim mạch, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch chuyển hóa.

Với người bình thường, chế độ ăn nhiều muối có thể khiến bệnh nhân tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, rối loạn chức năng thận. Vì thế, mỗi người nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày để bảo vệ sức khỏe. Trong khi đó, người đang bị tăng huyết áp chỉ được ăn tối đa 3g muối/ngày, người bị suy thận hay suy tim không ăn quá 2g muối/ngày.

“Điều trị bằng thuốc với bệnh suy tim chỉ giải quyết được 50%, còn lại là ăn uống và tập luyện, nghĩa là điều trị không thuốc. Nếu người bệnh lỡ ăn thêm một chút muối vào buổi chiều, tối hôm đó sẽ không ngủ được vì thấy ngợp. Lý do là muối gây ứ nước và khó thở”, bác sĩ Chiêu lý giải.

Vì thế, một trong các mục tiêu quan trọng của chương trình quản lý suy tim là giảm nguy cơ tái nhập viện. Theo bác sĩ Chiêu, mỗi lần bệnh nhân suy tim nhập viện, nguy cơ tử vong trong vòng 1 tháng đầu là 15%, một nửa trong số đó tử vong tại bệnh viện.

“Vấn đề là điều trị làm sao để bệnh nhân suy tim không tái nhập viện mà duy trì khám ngoại trú”, bác sĩ Chiêu trăn trở.

Thạc sĩ, bác sĩ Lý Văn Chiêu kiểm tra kết quả siêu âm của một người bệnh.

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết với các nước thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do tim mạch giảm tới 60% trong 60 năm qua. Trong khi đó, ở các nước thu nhập thấp và trung bình (trong đó có Việt Nam), tỷ lệ này lại tăng tới 20% chỉ trong 20 năm.

Tại các nước thu nhập cao, có 5 triệu ca tử vong do tim mạch, bằng một nửa so với các nước thu nhập thấp - trung bình, PGS Hùng dẫn thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010. Đến năm 2019, có 75% số tử vong do tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp.

Theo Bộ Y tế, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và chi phí điều trị cho người dân. Số liệu điều tra cho thấy tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành là 7,1%, tương đương với gần 5 triệu người.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh tim mạch hiện có thể phòng ngừa một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, giảm ăn muối, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia. Bộ Y tế khẳng định ăn giảm muối là một trong những giải pháp thiết thực giúp tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.

Chương trình sức khỏe Việt Nam kéo dài tới năm 2030, chia thành 2 giai đoạn, thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khoẻ gồm: Dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khoẻ trẻ em; phòng chống tác hại thuốc lá; rượu bia, vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý các bệnh không lây nhiễm...

Trong đó, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm mức tiêu thụ muối của một người/ngày xuống dưới 8g và đến năm 2030 là dưới 7g. Hiện người Việt đang tiêu thụ trung bình 10g muối/ngày, gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. 

Tuy nhiên, việc cân đong đo đếm sao cho đúng hàm lượng muối nạp vào cơ thể để bảo vệ sức khoẻ là một khó khăn. Điều này đặc biệt khiến các bác sĩ dinh dưỡng hoặc người nhà bệnh nhân tim mạch, suy thận... trăn trở. 

Kỳ 3: Mẹo đơn giản để giảm muối trên bàn ăn

Giao Linh, Thuý Tình, Diệu Thúy, Diệu Bình