Trong nhiều năm làm công việc mai mối, tư vấn hẹn hò, chị Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội) cho biết, khoảng 15% số khách hàng tìm tới chị là người lớn tuổi - nam trên 50 tuổi, nữ trên 45 tuổi. Người lớn tuổi nhất mà chị từng cung cấp dịch vụ sinh năm 1963. 

“Đặc điểm chung đầu tiên của nhóm khách hàng này là họ sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook thường xuyên. Những người độc thân lớn tuổi tìm tới tôi thường góa chồng, góa vợ hoặc ly hôn. Đồng thời, họ khá ‘cấp tiến’, có lương hưu, có thu nhập…”.

Nam giới lớn tuổi mặc định muốn hẹn hò bạn gái trẻ hơn “càng nhiều càng tốt"

Bạn gái ‘càng trẻ càng tốt’

Ở nhóm tuổi này, khách hàng nam giới chiếm nhiều hơn nữ giới. “Có thể do các cô, các bác gái không tự tin khi về già, còn nam giới cao tuổi đều ưu tiên chọn bạn gái trẻ hơn mình 10-15 tuổi để làm bạn hoặc làm vợ”. Thậm chí, họ mặc định muốn hẹn hò bạn gái trẻ hơn “càng nhiều càng tốt”. 

Với các khách hàng nữ ở tuổi này, thường họ chỉ cần bạn cùng lứa tuổi. Chỉ một số ít còn trẻ trung, khỏe mạnh, có điều kiện kinh tế có thể hẹn bạn trai trẻ hơn 5-7 tuổi, chị Ngọc Anh cho hay.

Khác với người trẻ hoặc trung niên, chị nhận thấy người lớn tuổi thường chỉ có nhu cầu duy nhất là hẹn hò, không muốn phải ràng buộc bằng giấy tờ pháp lý. Hoặc họ sẽ chỉ chung sống nếu thực sự yêu mến nhau, hiểu được hoàn cảnh của nhau và chấp nhận chăm lo nhau tới khi cuối đời. 

Đổi lại, hẹn hò với nam giới lớn tuổi thì đối phương không bị áp lực về chuyện sẽ kết hôn hay sinh con. “Bạn trai khoảng 50-60 tuổi còn rất thích hẹn hò với mẹ đơn thân vì nhóm này có kinh nghiệm, từng trải và có nhiều điểm tương đồng, dễ chia sẻ hơn.

Nếu như nam giới trẻ tuổi không thích mẹ đơn thân thì nam giới cao tuổi lại không quan trọng vấn đề đó. Thậm chí, họ ưu tiên chọn mẹ đơn thân, miễn là nhỏ tuổi hơn họ 10-20 tuổi. Có thể họ muốn được trải nghiệm cảm giác yêu đương khác hẳn với vợ cũ - thường là đồng trang lứa hoặc hơn tuổi họ, hoặc vợ cũ đã quá già hay đã qua đời. Tóm lại, nam giới độc thân tuổi xế chiều đều mong bạn gái còn trẻ khỏe, ít nhất là để trải nghiệm”.

Điều kiện 'có tiền'

Khi hẹn hò với người lớn tuổi, đối phương trẻ hơn thường đưa ra điều kiện là “có tiền”. Vả lại, những người già tìm đến dịch vụ mai mối thường cũng có điều kiện kinh tế. “Bởi người cao tuổi nếu đã yếu về sức khỏe lại không có tiền, kinh tế còn khó khăn thì chính họ cũng không muốn hẹn hò để thành gánh nặng cho bạn trai/bạn gái của mình. Họ chọn sống một mình hoặc tìm bạn cũng ‘già’ tương xứng để hai bên nương tựa vào nhau”. 

Bà mối này tiết lộ, trên thực tế, những người càng lớn tuổi lại càng… nhiều tiền. Vì họ có nhiều nguồn thu: thừa kế, bán nhà, bán đất, buôn bán bất động sản, tiết kiệm… “Thú thật, chỉ cần họ có tiền, tự khắc đó đã là sức hút với đối phương rồi. Dù đối phương đồng lứa hay trẻ hơn thì số lượng đối phương ‘thích tiền’ nhiều vô kể” - chị Ngọc Anh thẳng thắn cho hay. 

Tuy nhiên, khi đến với nhau, vấn đề tiền bạc lại không phải yếu tố phức tạp giữa những người lớn tuổi. Bà mối kể: “Thường họ không cần thỏa thuận tài sản trước hôn nhân vì thực ra mỗi bên tầm tuổi đó đều đã rõ ràng trong vấn đề tài sản, nhà riêng, tiền riêng gồm những gì, của ai, thậm chí nhà, xe đã đứng tên con riêng của họ…”

“Nên với người cao tuổi, tài sản trong hôn nhân không phải là vấn đề quan trọng. Một là, họ đã vốn chỉ thích hẹn hò, không ràng buộc pháp lý. Hai là, nếu có cưới xin thì không chắc họ đã đăng kí kết hôn. Còn nếu có đăng kí kết hôn, tài sản của riêng đều đã rõ ràng, nhất là nhóm 5X, 6X trí thức, trung lưu. Còn lại thì rất rõ ràng cho bao nhiêu, góp bao nhiêu"… 

Với người cao tuổi, tài sản trong hôn nhân không phải là vấn đề quan trọng

Lệch tuổi thường ‘toang sớm’

Chị Ngọc Anh chia sẻ, về tuổi tác, các cặp đôi mà chị kết nối đã kết hôn hoặc chung sống trên 3 năm không có cặp đôi nào lệch quá 10 tuổi, hoặc tới với nhau khi đã quá 50 tuổi. “Như đã chia sẻ, chính các ứng viên lớn tuổi chỉ muốn hẹn hò, vì không phải ai cũng đi cùng những lúc về già, đổ bệnh, vệ sinh kém…”.

Ngoài ra, người già có những thói quen sinh hoạt “khó bỏ” duy trì tới hàng chục năm, những khác biệt về thế hệ là nguy cơ dễ gây ra đổ vỡ các mối quan hệ “lệch tuổi” dù đó chỉ là hẹn hò, không sống chung, chỉ gặp mặt, đi chơi, đi du lịch cùng nhau…

“Thú thật, vài cặp đôi lệch tuổi ‘ông - cháu, chú - cháu, bà - cháu, cô - cháu’ chỉ là hãn hữu và phải có con chung thì mới duy trì lâu dài”. 

Theo kinh nghiệm của chị, các ứng viên lớn tuổi thường kết nối rất nhanh để yêu đương hẹn hò nhưng lại “toang" sớm. Nguyên nhân là vấn đề tài chính bên cao tuổi không đáp ứng được cho bên trẻ hơn. Ngoài ra, còn có các lý do như vênh nhau về cảm xúc tình dục, hệ tư tưởng, học vấn, môi trường sống… “Hơn cả, người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm ‘nhìn người’, thậm chí có sẵn nhiều định kiến, cộng thêm với chút ‘bảo thủ, lạc hậu’… thì họ ‘dứt tình’ dễ dàng hơn so với nhóm trung niên, thanh niên".