ZaloPay vừa công bố tính năng đặt hàng và thanh toán hàng hoá, thức uống, nhu yếu phẩm ngay trên ứng dụng Zalo, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Để sử dụng, người dùng vào ứng dụng Zalo, tìm kiếm tài khoản chính thức (Official Account) của nhà bán, chọn "quan tâm" đơn vị này, và tiến hành đặt hàng qua ZaloPay hoặc tiền mặt. Dễ thấy trong danh sách các siêu thị Big C trên toàn quốc trên Zalo có Big C Gò Vấp và Big C Thạnh Lộc - hai địa điểm bị phong toả tại TP.HCM từ 31/5.
Nhu cầu mua hàng thiết yếu trên mạng tăng cao giai đoạn Covid-19. (Ảnh: Hải Đăng) |
Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch công ty ZION, đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tính năng mới của ZaloPay giúp người dân có thêm một kênh mua sắm và thanh toán tiện lợi.
Như vậy để đi chợ online giữa đại dịch, người dùng đã có thêm nhiều lựa chọn. Ở kênh ví điện tử có ZaloPay, MoMo, VNPay. Ứng dụng gọi xe có be, Grab. Riêng kênh thương mại điện tử sẽ phong phú hơn khi có Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Bách hoá Xanh,... Hoặc cũng có thể mua hàng qua điện thoại ở các chuỗi Co.op Mart, Big C.
Do nhu cầu mua hàng tăng cao vào các đợt bùng phát dịch, nhiều nền tảng đã chọn thời điểm này để tung dịch vụ mới - vừa tạo thêm kênh mua sắm không tiếp xúc cho người dân, vừa giúp các bên mở rộng thị phần.
Trước ZaloPay, ngay giai đoạn giãn cách hồi giữa tháng 4 năm ngoái, MoMo đã kết hợp cùng chuỗi cửa hàng bách hoá Co.op Smile cho khách mua sắm đồ thiết yếu ngay trên ứng dụng. Hiện tại, trên ví này có thêm chuỗi Cheers và một số bên khác để bán đồ khô, đồ đông lạnh và các loại bánh kẹo, nước giải khát. Riêng mặt hàng tươi sống vẫn chưa triển khai.
Grab cũng nhảy vào mảng siêu thị trong giai đoạn dịch vào cuối tháng 3 năm ngoái, kết hợp với Co.op Food, Co.op Xtra và một số cửa hàng tư nhân. Đến nay, trên nền tảng đã có hầu hết những siêu thị lớn và các chợ truyền thống.
Đại diện ZaloPay cho biết, trong 6 tháng thử nghiệm tính năng mới, có hơn 10 triệu lượt giao dịch. Riêng tại siêu thị Big C, trong 4 ngày 28-31/5, tức ngay trước lệnh giãn cách tại TP.HCM, đã có 20.000 đơn hàng thực hiện. Điều này minh chứng rõ ràng cho xu hướng mua sắm online lên ngôi trong giai đoạn dịch bùng phát.
Mua sắm qua mạng cũng kéo theo nhu cầu thanh toán kỹ thuật số. Trong giai đoạn dịch Covid-19 vào tháng 4 năm ngoái, Grab cho biết khoảng 70% giao dịch trên GrabMart không dùng tiền mặt, cao hơn mức trung bình 43% trên nền tảng này.
Thông thường, nhu cầu mua sắm lên đỉnh điểm ngay trước lệnh giãn cách. Ngày 31/3/2020, chỉ một ngày trước giãn cách xã hội toàn quốc, Grab cho biết đơn hàng trên GrabMart tăng cao kỷ lục.
Điều này cũng diễn ra tại TP.HCM ở những ngày đầu tiên của đợt giãn cách lần thứ hai mới đây. Nhiều siêu thị đông nghẹt người, hàng hoá trên kệ trống trơn.
Lúc đó, các kênh thương mại điện tử cũng ghi nhận sức mua tăng đột biến. Như Tiki cho biết sức mua toàn sàn tăng 30% vào hai ngày cuối tuần, cũng là hai ngày đầu giãn cách.
Thống kê của các kênh thương mại điện tử cho thấy các mặt hàng bán chạy giai đoạn này gồm hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp, đồ điện tử và đồ gia dụng.
Điều này phù hợp với khảo sát của Statista trong giai đoạn Covid-19 tại Việt Nam. Theo đó, 50% người cho biết sẽ giảm tần suất đến các siêu thị, cửa hàng, chợ,...; 25% gia tăng mua sắm trực tuyến. Trong năm 2020, chi tiêu cho thực phẩm chiếm đến 43% tổng chi tiêu hộ gia đình, tăng 8% so với năm trước. Trên 75% người được hỏi đều gia tăng chi tiêu cho thực phẩm.
Hành vi tiêu dùng mới tạo điều kiện thuận lợi cho các kênh mua bán online, nhất là mảng hàng tiêu dùng thiết yếu. Nó cũng tạo cơ hội lớn cho các đơn vị cung cấp thanh toán kỹ thuật số. Điều này giải thích lý do vì sao các sàn thương mại điện tử bắt đầu đẩy mạnh hàng tươi sống, các nền tảng như ví điện tử nhảy vào kênh siêu thị.
Hải Đăng
"Nhà tôi mua sắm online hoàn toàn trong mùa dịch"
Trong giai đoạn giãn cách, nhà tôi mua sắm online hoàn toàn, nghiêm túc ở nhà, hạn chế tiếp xúc để đề phòng lây lan dịch bệnh.