Ông N.T.K (47 tuổi) vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng trong tình trạng đau bụng dữ dội. Theo gia đình, khi ăn cơm xong, bệnh nhân sử dụng tăm và vô tình nuốt vào. Sau đó, ông K. xuất hiện dấu hiệu đau bụng. Người bệnh cố chịu đựng nhưng tình trạng đau tăng lên nên đến bệnh viện.
Qua chụp X-quang, bác sĩ phát hiện trong dạ dày của ông K. có dị vật tăm tre cắm sâu vào thành môn vị. Bệnh nhân được nhập viện theo dõi dị vật tiêu hóa. Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định nội soi gây mê, gắp thành công dị vật tăm tre dài 4cm, đầu nhọn cắm sâu vào dạ dày. Sau đó, bệnh nhân ổn định sức khỏe và được kê đơn điều trị ngoại trú.
Theo các bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, nuốt tăm tre và bị tăm đâm thủng ruột là tai nạn thường gặp. Nhiều bệnh nhân có thói quen ngậm tăm lúc ngủ nên nuốt nhưng không biết.
Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị các biến chứng như chảy máu, loét hay nặng hơn là thủng đường tiêu hóa. Tăm tre có thể đâm xuyên vào các tạng khác trong ổ bụng gây áp xe, ổ viêm, khối u hoặc đâm thủng ruột và dịch chảy vào ổ bụng dẫn tới viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc…
Tăm nhọn lại thuộc chất gỗ không bị phá hủy, ăn mòn nên trôi dạt đến đâu nguy hiểm tới đó.
Vì vậy, sau khi ăn uống, nếu dùng tăm xỉa răng, người dân nên tập trung chú ý khi thực hiện các động tác, tránh lơ đãng, không nên ngậm trong miệng để nói chuyện hoặc làm việc khác. Tạo thói quen sử dụng chỉ nha khoa thay thế tăm trong sinh hoạt hằng ngày.
Đặc biệt với người già và trẻ nhỏ, phản xạ nhai nuốt kém hơn cần cẩn trọng. Khi rơi vào các trường hợp như đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, người dân cần đến bệnh viện cấp cứu để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.