Hiện nay, thực trạng chơi game ở Việt Nam được cho là có tác động tiêu cực đối với nhận thức của giới trẻ. Các cấp chính quyền địa phương đã thông qua các điều luật hiện hành ra sức hạn chế, ngăn chấm tình trạng chơi game, đặc biệt là game online song đến nay vẫn chưa có chuyển biến mới mẻ.
Sự đánh giá của giới truyền thông
Trong nước, việc các phương tiện truyền thông "ném đá" vào cộng đồng game thủ xảy ra như cơm bữa. Các bài báo với nội dung tiêu cực về game liên tục xuất hiện trên các mặt báo, thật dễ dàng để tìm thấy các bài viết với tiêu đề như "Tác hại của chơi game", "Học sinh bỏ học để chơi game" hay "Hãy ngăn chặn tác hại của game online!". Quá khó để tìm thấy những bài viết tích cực.
Rất may, mọi thứ đã thay đổi, và mọi người đang ngày càng có những nhận thức tốt hơn về lợi ích của việc chơi game. Với nhiều giải đấu game tầm cỡ được tổ chức, các sự kiện, hội nghị trong nước liên tục được tổ chức. Và kết quả là các bài báo có nội dung khả quan hơn đã xuất hiện. Đáng buồn thay, điều này vẫn chưa thể thay đổi hoàn toàn thực trạng game nước nhà.
Còn nhớ 10 năm về trước, một thỏa thuận được ký kết giữa công ty game Kingsoft của Trung Quốc và Vinagame (bây giờ là VNG) đã thay đổi mọi thứ. Võ Lâm Truyền Kỳ xuất hiện, mang theo một làn gió mới thổi vào tâm hồn khao khát phiêu lưu, trải nghiệm thế giới giang hồ rộng lớn của các game thủ thời bây giờ. Và cho đến nay, Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn luôn nằm trong top các game online đỉnh cao thành công nhất của Việt Nam.
Chiêu bài của nhà phát hành
Sự thành công của VNG đã trở thành bàn đạp đầu tiên cho các trò chơi Trung Quốc du nhập vào thị trường nội địa. Cho đến nay, có khoảng 85% các game online và game mobile trong nước đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên chất lượng đã không còn được như ngày đầu và không được game thủ đánh giá cao.
Cũng chính vì lý do đó mà giới truyền thông lại một lần nữa thấy được vết nứt trong ngành công nghiệp game vốn đã mất nhiều công sức xây dựng lên.
Để có thể thu hút được sự chú ý từ cộng đồng game thủ và cạnh tranh với các trò chơi khác, các nhà phát hành đã liên tiếp thực hiện những chiều trò quảng bá, PR với các người mẫu, diễn viên trong những bộ quần áo thiếu vải đầy phản cảm.
Đối với các nhà phát hành, đó có thể được coi là một chiêu bài khá hiệu quả khi sử dụng các quân cờ “mỹ nhân” để lôi kéo game thủ với nội dung khêu gợi. Tiêu biểu như MMORPG Sát Thủ Truyền Kỳ của VTC Mobile có nội dung là cuộc chiến giữa cái Thiện và cái Ác thì nhà phát hành lại tung ra một video với tiêu đề “Sự khác biệt giữa gái ngoan và gái hư” với nội dung không liên quan gì đến trò chơi cả.
Gần đây nhất, cộng đồng game thủ lại được chứng kiến một hình thức "câu kéo" người chơi khác của VTC Game bằng cách mời nữ diễn viên phim cấp 3 của Nhật - Saori Hara - làm đại sứ hình ảnh của tựa game mới nhất, Huyết Chiến. Dù không biết liệu hình thức này có đem về kết quả khả quan nào cho VTC Game hay không nhưng với động thái như vậy NPH đã tạo nên một làn sóng dư luận phản đối việc sử dụng hình ảnh một diễn viên phim "người lớn" để quảng cáo cho mình.
Hiệu quả ra sao?
Những hình thức quảng bá như vậy lây lan nhanh chóng trên mạng như một loại virus và có thể dễ dàng đạt được hàng triệu lượt view một cách nhanh chóng. Các nhà phát hành đã đưa thông tin trò chơi, liên kết tải game hoặc địa chỉ trang web vào cuối những đoạn phim hoặc chèn logo vào các hình ảnh của những người mẫu đại diện sexy sau đó tung lên mạng. Với mồi câu "gợi tình" như vậy, không khó để có thể hình dung rất nhiều game thủ "mắc câu" của NPH.
Trớ trêu thay, những cô gái xuất hiện trong các hình ảnh, video đó đôi khi lại nhận được sự chú ý nhiều hơn là tựa game mà nó muốn quảng bá. Thống kê cho thấy model đại diện của Thiên Mệnh 4D nhận được 166.000 lượt like trong khi Facebook của trò chơi lại chỉ được vỏn vẹn 34.000 like. Nhưng ngay cả khi một nhà phát hành không muốn tiếp thị trò chơi của mình thông qua cách đó, nó cũng không có nhiều sự lựa chọn. Nếu không có một chiến lược quảng cáo bắt mắt thì trò chơi sẽ dễ dàng bị "mất hút" trên thị trường game.
Chính điều đó đã tạo nên mặt tiêu cực của việc chơi game tại Việt Nam, điều này như một cú đấm vào cộng đồng game thủ vậy. Song, điều chúng ta có thể tự hào đó chính là nhận thức đúng đắn của game thủ vẫn còn tồn tại. Bất kể nhà phát hành quảng bá tựa game của mình với nội dung tục tễu thế nào, nếu trò chơi đó không thật sự nổi bật thì các chiêu trò cũng sẽ không còn giá trị. Nếu một trò chơi quá tệ thì dù có sử dụng bao nhiêu cô gái nóng bỏng, sexy thì nó cũng không tránh khỏi sự thất bại.
Trước thực trạng ngày càng có nhiều trò chơi được du nhập vào thị trường nội địa, game thủ nên tỉnh táo hơn và lựa chọn các sản phẩm chất lượng để cống hiến. Như vậy thì các chiêu trò, chiến lược tiếp thị phản cảm như trên mới được dẹp bỏ. Rồi sau đó, có lẽ giới truyền thông sẽ ngững soi xét và có một cái nhìn tích cực hơn đối với game.
T.B