Người mẹ hiến tạng con cứu 6 người
Những ngày qua, câu chuyện bà Trương Thị N., 71 tuổi ở Hải Dương chia sẻ nguyện vọng được gặp lại người nhận trái tim con mình làm nóng mạng xã hội với nhiều tranh cãi.
Con trai duy nhất của bà N. không may bị tai nạn, chết não vào ngày 16/9/2020 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Gia đình bà N. đã đồng ý hiến tạng cứu sống 6 bệnh nhân khác.
Trong đó Bệnh viện 108 thực hiện 5 ca ghép: Ghép 2 phổi cho một bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B; ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối; ghép đồng thời 2 cẳng bàn tay cho một thanh niên 19 tuổi bị cụt cẳng tay cả 2 bên do tai nạn chất nổ.
Riêng trái tim được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để ghép cho một bệnh nhân viêm cơ tim thể giãn giai đoạn cuối.
Hình ảnh các bác sĩ Bệnh viện 108 cúi đầu tri ân con trai bà N. trước khi lấy tạng
Chiều 16/9/2020, tang lễ cho con trai bà N. được Bệnh viện 108 tổ chức trang trọng tại nhà tang lễ bệnh viện, 5 gia đình được nhận tạng có mặt để đưa tiễn, chia sẻ. Sau này, bà N. vẫn giữ liên lạc với 5 gia đình để cập nhật tình hình sức khoẻ của người được ghép.
Duy đến nay, bà N. chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về người nhận trái tim của con bà. Chính vì vậy, rất nhiều lời đồn đoán cho rằng gia đình bà đã bán tim con trai với giá 2 tỷ đồng. Sau khi mất con, bà vốn đã suy sụp vì thương nhớ, nay lại có thêm thông tin bán tạng con khiến bà u uất, thức trắng nhiều đêm, phải uống thuốc an thần tăng liều.
“Mọi người ơi! Nếu ai biết hoặc người nào nhận trái tim vào trưa ngày 16 hoặc 17/9, thời gian có thể chậm lại vì người nhận ghép chưa có đủ thủ tục) mong mọi người biết nhắn giúp tôi nhé”, bà N. tha thiết.
Được biết về thông tin người hiến nếu có thoả thuận riêng
Bà N. chia sẻ, khi bác sĩ thông báo không thể cứu con trai, bà đau đến gục ngã. Nỗi đau xé nát lòng người mẹ. Sau đó một nữ nhân viên Bệnh viện 108 đến trấn an tinh thần, giải thích về việc hiến tạng.
“Lúc đầu tôi không đồng ý vì muốn đưa con về nguyên vẹn như người đi ngủ. Nhưng sau nhiều lần, cộng thêm lời nói của con gái: Mẹ ơi! Mẹ cố nén tâm và trấn tĩnh lại để đưa ra quyết định, thời gian không còn nhiều. Nhà mình hiếm người, mẹ hiến một phần thân thể em là để dành một phần sự sống của em trên đời. Hiến bao tạng là thêm bấy nhiêu người như em vẫn bên mẹ. Mẹ suy nghĩ đi mẹ nhé. Cuối cùng tôi đồng ý”, bà N. chia sẻ.
Tuy nhiên, trước khi ký vào đơn, bà N. có một nguyện vọng được biết tạng, người nhận với tên và địa chỉ cụ thể để bà biết phần cơ thể của con trai có ổn không. Ngoài ra không có đòi hỏi gì khác.
Theo thông tin từ gia đình, phía Bệnh viện 108 hứa sẽ cung cấp thông tin người nhận và sau đó bà đã gặp được 5 người nhận tạng tại bệnh viện.
Riêng ca ghép tim, GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ông đã nắm được thông tin và rất chia sẻ với nguyện vọng của bà mẹ.
“Chúng tôi rất trân trọng nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng. Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp, bệnh viện và các bác sĩ không được cung cấp thông tin, địa chỉ của người hiến và người nhận tạng để tránh những trường hợp không hay xảy ra”, ông Giang nói.
Ông cũng cho biết, trên thế giới, các thông tin về người hiến, người nhận đều được mã hoá để đảm bảo cuộc sống bình thường cho người nhận tạng. Bệnh viện không thể tiết lộ để người nhận tạng phải chịu ơn và tìm đến người đã hiến tặng tạng cho mình. Điều này có thể làm mất đi tính nhân văn của nghĩa cử hiến tạng cứu người.
Cũng theo ông Giang, nếu một cơ sở nào đó thực hiện kết nối giữa người hiến tạng và người nhận tạng dưới bất cứ hình thức nào đều là không đúng quy định. Còn nếu người nhận tha thiết gặp người hiến, họ sẽ tìm nhiều cách để gặp, điều này pháp luật không cấm.
GS Giang cho biết, đến nay, người nhận trái tim từ con trai bà N. vẫn đang sống khoẻ mạnh.
Lãnh đạo Bệnh viện 108 cho biết, việc các gia đình người bệnh được cứu sống nhờ nhận mô, tạng của con trai bà N. chủ động liên lạc và gửi lời tri ân đến gia đình người hiến xuất phát từ sự trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với nghĩa cử đầy nhân văn của người hiến.
Trường hợp này hoàn toàn là sự tự nguyện của 2 bên và không trái pháp luật (theo Khoản 4, Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định nguyên tắc “Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”).
Như vậy, về nguyên tắc, bệnh viện phải giữ bí mật các thông tin người hiến và người nhận, tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ nếu có thoả thuận riêng.
Gia đình người nhận có quyền không gặp
Được biết, trước đó bà N. đã từng làm đơn gửi Bệnh viện 108 và Bệnh viện Việt Đức nói về nguyện vọng được gặp lại người nhận trái tim của con trai bà.
Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia đã đứng ra kết nối, đề nghị 2 bệnh viện có văn bản trả lời. Phía Bệnh viện 108 đã khẳng định không có bất kỳ cam kết nào với bà N. về việc sẽ cung cấp thông tin người nhận tạng. Sau khi được giải thích, bà N. khi đó đã hiểu, nguôi ngoai và rút đơn.
Một cán bộ tại trung tâm cho biết, trường hợp có thoả thuận riêng như Điều 4 phía trên quy định chỉ xảy ra khi cả phía người nhận và phía người hiến đều sẵn sàng cung cấp thông tin. Tuy nhiên kể cả trường hợp đó, bệnh viện cũng không được đứng ra kết nối.
Trường hợp người hiến muốn liên hệ với người nhận nhưng người nhận không muốn, trường hợp này người nhận không sai quy định về mặt pháp luật. Người nhận có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khoẻ, tinh thần.
Vị này cho rằng, ở góc độ tình cảm giữa con người với con người, mỗi hơi thở, nhịp đập của người nhận tạng đều hiện diện người hiến tặng thì làm sao họ không trân trọng cho được.
Nhưng riêng với bệnh nhân ghép tim, họ rất dễ xúc động, một cú sốc tâm lý có thể ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng, nếu có chuyện gì, khi đó tạng hiến không còn ý nghĩa nữa.
Theo đúng quy định, trường hợp gia đình người hiến có bất kỳ điều kiện nào trước khi hiến thì không được lấy tạng, vì đây là hoạt động nhân đạo, không có điều kiện đi kèm.
Thúy Hạnh
Chờ ghép tạng như nắng hạn chờ mưa vì còn nhiều rào cản
Mỗi năm, tại Việt Nam có thêm hàng nghìn người bệnh cần được ghép tạng. Tuy nhiên, số người đăng ký hiến tạng vẫn khan hiếm vì nhiều rào cản.
Ghép tim ở VN 1 tỷ đồng, Mỹ 26 tỷ
Ở VN, 1 ca ghép tim chi phí khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. 1 ca ghép gan là 1,5 tỷ đồng. Trong khi ở Mỹ 1 ca ghép gan là 15,5 tỷ đồng, ghép tim 26,1 tỷ đồng.