Đây là một trong những thông tin được PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tại buổi hội thảo tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người vừa được tổ chức tại TP.HCM vào trưa 22/3.

Người chờ ghép tạng như nắng hạn chờ mưa

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Sơn cho rằng, hiện nay Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng và các bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, số người được ghép vẫn còn rất ít.

Ông Sơn đề nghị, các đơn vị cần nghiên cứu, tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật hiến ghép tạng. Sau đó, sẽ trình Quốc hội trong năm 2022, cụ thể, xem xét độ tuổi có thể hiến tạng, giảm bớt thủ tục, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho người chết não được hiến tạng...

{keywords}

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã nêu được nhiều vấn đề và giải pháp giúp người dân có cái nhìn cởi mở hơn về việc ghép tạng

Tại buổi hội thảo ông, ThS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, hiện tại, qua 29 năm, kể từ ca ghép tạng đầu tiên với sự phối hợp của Học viên Quân y (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Nam có hơn 20 trung tâm ghép tạng. Tuy nhiên, số bệnh nhân được ghép tạng rất ít.

Ông Phúc cho biết, tính đến 31/12/2020, tổng số ca ghép tạng trong cả nước là 5.587 ca. Trong đó, ghép thận chiếm tỷ lệ cao nhất với 5.255 ca, , ghép tủy gần 600 ca, ghép gan 270 ca, ghép tim 48 ca, ghép tim phổi, tụy, tụy thận mỗi loại 1 ca, ghép chi trên, ruột mỗi loại 2 ca.

Lý giải vấn đề này, theo ông Phúc do vấn đề chính sách về Luật hiến lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác còn nhiều bất cập dẫn đến nguồn tạng thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó tình trạng mua bán tạng vẫn còn tồn tại.

Ngoài ra, còn một số thiếu sót tại một số cơ sở ghép tạng như: chưa thành lập hội đồng chết não, ghép tạng nhưng chưa có giấy phép, ghép tạng cho bệnh nhân chưa có tên trên danh sách chờ ghép quốc gia…

Để giải quyết vấn đề trên, ông Phúc cũng đưa ra một số giải pháp như: sớm sửa đổi Luật Hiến; lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; tuân thủ tuyên bố Istanbul về phòng chống buôn bán tạng, du lịch ghép tạng; xây dựng gói chi phí điều phối làm cơ sở thanh toán và áp dụng chung cả nước; xây dựng gói dịch vụ ghép thận làm cơ sở cho bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ 80%, chỉ tiến hành ghép cho người có trong danh sách chờ ghép…

Ghép tạng vẫn còn nhiều rào cản

Cũng trình bày báo cáo tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, sau ca ghép thận đầu tiên cho đến nay nhu cầu ghép tạng ngày càng nhiều. Bởi đa số người bệnh sau khi ghép tạng có sức khỏe tốt, cuộc sống được cải thiện.

Theo giáo sư Sinh, sau 29 năm, tại Việt Nam có thể thực hiện ghép nhiều bộ phận cơ thể người như thận, gan, tim, cánh tay, ruột....

Tuy nhiên, nguồn hiến tạng tại Việt Nam vẫn còn khan hiếm trong khi số người cần duy trì nối dài sự sống mỗi năm một tăng.

Giáo sư Sinh cho biết, tại Việt Nam số người chết não vì tai nạn giao thông mỗi năm lên đến hàng nghìn người. Tuy nhiên, hiện có nhiều rào cản như tâm linh, nhận thức cho đến pháp luật hiện hành. 

Ngoài ra, với sự phát triển và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người cho và nhận không cùng nhóm máu vẫn có thể ghép thận được, thận có nước tiểu sau ghép chiếm tỷ lệ cao…

Bên cạnh những thành tựu, ý nghĩa nhân đạo, ghép tạng vẫn còn tồn tại một số vấn đề cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

“Ghép tạng ra đời mang ý nghĩa tinh thần nhân đạo thì nay lại xảy ra vấn đề nhức nhối là buôn bán mô tạng. Việc buôn bán không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà hiện cũng đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu”, giáo sư Sinh nhấn mạnh.

Theo giáo sư Sinh, để chấm dứt triệt để chấm dứt tình trạng mua bán tạng, cần có hệ thống pháp luật, chế tài mạnh, phạt thật nặng mới mang tính răn đe.

Giáo sư Sinh đã lấy một số dẫn chứng tại Thái Lan, nếu người buôn bán tạng kể cả bác sĩ hỗ trợ lấy tạng cũng bị xử phạt nặng, tước bằng hành nghề vĩnh viễn. Ngoài ra, cũng cần xúc tiến phần mềm điều hành đăng ký và điều phối mô tạng để có thông tin tra cứu rõ ràng, minh bạch.

Đồng tình với ý kiến này, ThS.BS Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, cần phải có sự điều phối nguồn tạng ghép. Bên cạnh đó, người chờ ghép phải có danh sách đăng ký qua trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, nếu không có trong danh sách này là phạm luật. 

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) thừa nhận rằng thực trạng mua bán tạng là vấn đề nhạy cảm nhưng không thể né tránh.

Ông Quang cho biết, vẫn xảy ra tình trạng mua bán tạng được các cơ quan điều tra khởi tố. Tuy nhiên, vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể.

Theo ông Quang, thời gian tới cần tăng cường quản lý nhà nước. Song song đó, phát hiện và giải quyết những vấn đề còn tồn tại để việc hiến tạng trở thành ý nghĩa nhân đạo cao cả như đúng bản chất.

Việc đăng ký hiến mô tạng không chỉ kéo dài sự sống cho những bệnh nhân suy mô tạng mà còn mang niềm vui cho chính người hiến khi chính họ đã sống cuộc đời lần thứ 2. Đây cũng là chia sẻ của TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tại buổi hội thảo.

Bác sĩ Thu cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, người hiến mô, bộ phận cơ thể người sẽ có những quyền lợi khác nhau.

Người đăng ký hiến tạng được miễn phí khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ thuê phòng ngủ trong trường hợp phải lưu đêm tối đa không quá 2 ngày là 450.000 đồng/ngày. Hỗ trợ tiền ăn trong những ngày khám sức khỏe định kỳ là 200.000 đồng/ngày không quá 3 ngày và hỗ trợ chi phí đi lại.

Đối với người hiến đã qua đời sẽ được hỗ trợ mai táng bằng 10 tháng lương cơ bản.

Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại hiện nay, theo bác sĩ Thu, thực tế chưa có đơn vị nào áp dụng quy định này. Bác sĩ Thu cho biết, thủ tục chi phí bồi hoàn rườm rà làm phiền lòng gia đình.

Bác sĩ Thu cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm tạo niềm tin người hiến tạng. Cụ thể:

Cần có quy định về chi trả cho bệnh viện có người hiến tạng chết não hay ngưng tim. Đồng thời, quy định rõ ràng về chi trả viện phí cho người hiến tạng chết não hay ngưng tim. Bên cạnh đó, cần đào tạo, tổ chức, phát triển hệ thống điều phối, theo dõi, tầm soát và điều trị cho người đã hiến cơ quan khi còn sống tại tất cả các cơ sở y tế. Ngoài ra cũng cần có chế độ tài chính cho người công tác trong hệ điều phối.

Không giới hạn độ tuổi đối với người hiến chết não

Theo quy định hiện hành của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, phải đủ 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện đăng ký hiến tạng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) đã đưa ra đề xuất không giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não. Riêng với trường hợp dưới 18 tuổi phải có đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp.

Liên Anh

Người mẹ muốn gặp lại người nhận tim con trai: Vướng tình và lý

Người mẹ muốn gặp lại người nhận tim con trai: Vướng tình và lý

Người mẹ 71 tuổi tha thiết được gặp lại người nhận trái tim của con trai nhưng không được bệnh viện chấp thuận.