Bà Nguyễn Thị T., 64 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, tối 21/6 vừa qua, sau bữa ăn tối bà tráng miệng một quả đào mới mua của người bán hàng rong. Tuy nhiên bà chủ quan không rửa, không gọt vỏ.
30 phút sau, bà thấy trong người nóng rực, bủn rủn tay chân, nôn và đi ngoài liên tục. Nghĩ ngộ độc thực phẩm thông thường nên bà cố chịu đựng.
Tuy nhiên đến 2h đêm, khi thấy bà T. lả dần đi, gia đình vội đưa bà vào cơ sở y tế gần nhà cấp cứu. Lúc này huyết áp tụt chỉ còn 80/50 mmHg. Dù được bù nước nhưng bệnh nhân vẫn tiêu chảy và nôn. 15h ngày 22/6, bà được chuyển đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai để điều trị.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc, tụt huyết áp và suy thận.
Theo TS Nguyên, căn nguyên gây ngộ độc của bệnh nhân chưa được xác định rõ nhưng dựa trên bệnh cảnh của người bệnh, có thể khoanh vùng được 2 nguyên nhân. Thứ nhất, nghi ngờ do ngộ độc hóa chất bảo quản, thứ hai có thể do độc tố vi khuẩn trong trái đào (nguyên nhân này ít căn cứ hơn).
Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã được cải thiện.
TS Nguyên cho biết, từ những ca bệnh ngộ độc thực phẩm thường xuyên vào viện cấp cứu cho thấy, tình trạng ngộ độc do hóa chất có nguy cơ tăng và phức tạp do ngày càng có nhiều loại hóa chất chưa được biến, chưa được kiểm soát.
Khi người dân bị ngộ độc đến bệnh viện, bản thân bác sĩ cũng gặp khó khăn trong chẩn đoán do xét nghiệm độc chất cần các máy móc chuyên dụng, trong khi các bệnh viện không có.
Do vậy, để giảm nguy cơ ngộ độc hoá chất trong thực phẩm, ngoài trông chờ vào sự quản lý của các cơ quan chức năng, người dân nên chủ động chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là các sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu, các địa chỉ có đăng ký kinh doanh.
“Người dân mình vẫn hay có thói quen mua hàng rong, chợ cóc, mua online… dù rất tiện nhưng không ai kiểm soát chất lượng, đầy rủi ro và người tiêu dùng là người phải gánh chịu”, BS Nguyên khuyến cáo.
Với các loại thức ăn chín, để tránh nguy cơ ngộ độc từ vi khuẩn, không nên để thức ăn còn thừa ở ngoài quá lâu, tốt nhất nên đun sôi lại, để nguội rồi bảo quản lạnh. Khi cất tủ lạnh, cần tách riêng khu thực phẩm sống và chín.
Cần ghi nhớ nguyên tắc rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến và không dùng chung các dụng cụ chế biến thực phẩm chín và sống.
Những người có sức đề kháng yếu, mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, tim mạch, ung thư, bị bệnh gan, gầy yếu, suy dinh dưỡng, người già, trẻ nhỏ… không nên ăn thịt, cá sống, gỏi, tiết canh… do dễ nhiễm khuẩn và khi nhiễm khuẩn thường nặng hơn và dễ tử vong hơn so với người khác.
Thúy Hạnh
11 người chết, 300 người nguy kịch sau khi uống rượu dừa
Tính đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và 300 người nhập viện sau khi uống rượu dừa trong ngày kỷ niệm tại Philippines.