Julianna Bransden, 44 tuổi, cảm thấy mệt mỏi nên quyết định nằm nghỉ một lúc. Nhưng sau đó, cô không thể dậy khỏi giường. Người phụ nữ được bác sĩ khuyên ở nhà theo dõi vài ngày. Tuy nhiên, anh Tim, chồng cô, biết có điều gì đó không ổn với vợ mình nên quyết định gọi xe cấp cứu vào cuối tháng 12/2022. 

Jac Burgess, chị gái của Julianna, nói với LancsLive: "Em tôi đang trẻ và khỏe mạnh thì đột nhiên suy sụp. Trong khoảng 30 phút, tim Julianna đã ngừng đập hai lần". 

Julianna (thứ 2 từ trái sang) trải qua 66 ngày trong khu cấp cứu. Ảnh: The Sun

Theo The Sun, các bác sĩ tại Bệnh viện Withybush ở Pembrokeshire (Anh) cho biết Julianna bị sốc nhiễm trùng (sốc do nhiễm trùng máu) và thiếu hụt nước nghiêm trọng. Vài tuần trước đó, dì của Julianna đã qua đời vì nhiễm trùng máu. 

Gia đình của Julianna được thông báo rằng cô sẽ phải thở máy và đang ở trung tâm hồi sức cấp cứu. Thời gian ở đây của cô lên tới hơn 2 tháng. 

Jac nhớ lại: "Khi em tôi mới nhập viện, đôi môi trông như thể nếu bạn chạm vào, môi sẽ nứt ra hoàn toàn. Các y tá làm việc lâu năm cho biết họ chưa bao giờ chứng kiến một bệnh nhân nào bị nghiêm trọng như vậy”.

Julianna đã phải chiến đấu với sốc nhiễm trùng và suy nội tạng. Không chỉ vậy, cô còn bị viêm phổi, cúm và liên cầu khuẩn tấn công. Khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê, Julianna đã phải cắt bỏ cả hai chân và sẽ mất gần hết các ngón tay.

Dù vậy, cô vẫn kiên cường và hồi phục rất nhanh, cố giữ tinh thần vững vàng. Gia đình đã quyên góp được hơn 80.000 USD để giúp đỡ cho Julianna. 

Nhiễm trùng máu là gì?

Nhiễm trùng máu xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm của cơ thể. Những phản ứng này tạo ra hàng loạt các thay đổi bên trong dẫn đến tổn thương các cơ quan như gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh.

Trong trường hợp nặng, nhiễm trùng máu có thể gây ra chứng hạ huyết áp, hiện tượng này là sốc nhiễm trùng, dễ dẫn đến sự suy giảm chức năng phổi, thận và gan.

Các triệu chứng bao gồm yếu mệt, ăn không ngon, sốt, ớn lạnh, liên tục khát nước, khó thở hoặc thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp thấp, lượng nước tiểu ít. 

Những người có nguy cơ mắc bệnh là người già, trẻ sơ sinh, đẻ non; có bệnh mạn tính (tiểu đường, HIV/AIDS, xơ gan, suy thận mạn, máu ác tính…); nghiện rượu; sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid kéo dài, thuốc chống thải ghép; đang điều trị hóa chất và tia xạ; dùng ống nội khí quản…