Nội dung này được nhiều đại biểu cho ý kiến và đề nghị không áp thuế với mặt hàng này.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, điều hoà nhiệt độ đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và giảm xuống 10% vào năm 2008. "Trước đây, điều hoà nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay điều hoà nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu", ông Đồng nêu.

Đại biểu dẫn nghiên cứu việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động trí óc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. 

Ông dẫn chứng, Singapore cũng chịu khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam nhưng đã rất thành công trong sử dụng điều hoà nhiệt độ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển kinh tế tri thức.

"Các nước khác kiểm soát điều hoà theo 2 khía cạnh khác, một là kiểm soát dung môi làm lạnh, và hai là mức tiêu thụ điện năng", ông phân tích và đề nghị bãi bỏ loại thuế này với điều hòa.

202411271527016278_z6074297186741_b483569c6d24f051a36bd511df8bac3c.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, "điều hòa không có lỗi", việc sử dụng mặt hàng này nhằm phục vụ đời sống tốt hơn cho sức khỏe người dân, đặc biệt là người già và trẻ em.

Vì vậy, ông Nghĩa không đồng tình việc áp thuế với điều hòa và đề nghị cần có hướng dẫn cho người dân cách sử dụng chứ không nên đánh thuế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, điều hòa nhiệt độ là mặt hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nên nếu áp thuế thì sẽ không thể sử dụng, không khác nào trở về “thời kỳ đồ đá”, trong khi mức tăng này thì không được bao nhiêu tiền cho ngân sách, người dân phiền hà và không phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng, đây không còn là mặt hàng xa xỉ, ngay cả các khu phòng trọ cho người thu nhập thấp cũng đã lắp đặt điều hòa nhiệt độ phục vụ đời sống, nên đề nghị cần cân nhắc bỏ quy định này.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, thuế thuế tiêu thụ đặc biệt cần áp dụng với những mặt hàng đặc biệt, xa xỉ để điều chỉnh tiêu dùng. Việc áp thuế cần tránh áp dụng với những mặt hàng thuần túy như điều hòa nhiệt độ, thuốc lào... nên cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.

Ông An cũng lưu ý, cần đánh giá tác động đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, không thể biến luật thuế này là công cụ để quản lý mặt sức khỏe và môi trường.

202411271557499978_z6074404598223_ff99c57235673fafcc70830ab287269c.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu giải trình sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, trên thế giới cũng đã tính thuế điều hòa như Hàn Quốc, Na Uy, Tây Ban Nha hay Anh áp dụng điều hòa dưới 27 độ phải đánh thuế...

Phó Thủ tướng đồng tình ý kiến đại biểu và khẳng định sẽ tiếp thu tiếp thu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp; rà soát, sửa đổi về đối tượng sản phẩm điều hòa chịu thuế suất ở các biểu thuế khác nhau.

Ví dụ, với điều hòa dùng năng lượng tái tạo từ mặt trời, điện gió sẽ không chịu thuế. Còn với mặt hàng điều hòa nói chung, do đây là mặt hàng tiêu thụ lượng điện lớn, tác động biến đổi khí hậu, sử dụng gây tác hại nên sẽ áp dụng đánh thuế.

Có nên tăng ngay thuế với rượu, bia Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) thống nhất với việc tăng thuế với rượu bia theo lộ trình, tuy nhiên dự thảo luật đang áp thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ. Đại biểu đặt vấn đề, nếu theo suất tính theo độ cồn, với quan điểm độ cồn càng cao thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe càng nhiều, tại sao thuế suất của bia lại ở mức cao hơn rượu ở nồng độ cồn dưới 20 độ, trong khi độ cồn của bia chỉ khoảng 5 độ.

Cùng với vấn đề trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tốc độ về tăng thuế với mặt hàng bia, rượu khiến doanh nghiệp đã đầu tư, nhất là nhà máy hiện đại mới đầu tư chưa sử dụng hết công suất sẽ không thể điều chỉnh công suất trong thời gian ngắn. Với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do yêu cầu về sức khỏe, về an toàn giao thông thời gian gần đây, đại biểu cho rằng, nếu áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhà máy, người lao động. Bà Phúc đề nghị đánh giá tác động, suy tính kỹ hơn trước khi quyết định thời gian áp dụng và cần xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế suất hợp lý.