Sáng 22/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Trình dự thảo luật, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết luật bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Ngoài ra dự thảo luật cũng bổ sung cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên thực tế đối với các doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị làm rõ tính phù hợp về phạm vi quyền đánh thuế của Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài nêu trên có hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam so với các quy định trong các hiệp định thuế đã được ký kết.
Với thương mại điện tử, thông lệ các nước chỉ quy định đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; các giao dịch về hàng hoá được đối xử như các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hoá thông thường, chỉ thu thuế gián thu, không thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về đánh thuế đối với phần "thu nhập phát sinh tại Việt Nam" đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số có cơ sở thường trú tại Việt Nam, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, quy định trên có thể chưa bao quát hết những khoản thu nhập có quyền thu.
Liên quan đến quy định về cơ sở thường trú đối với “nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam” (cơ sở thường trú “ảo”), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, nhiều ý kiến nhất trí bổ sung quy định trên nhằm mở rộng quyền đánh thuế của Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú ảo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các ý kiến băn khoăn về tính khả thi vì các hiệp định thuế mà Việt Nam đã ký với các nước không có quy định này.
Nhà cung cấp nước ngoài trên nền tảng thương mại điện tử hiện chủ yếu là đối tượng cư trú tại các nước đã ký hiệp định tránh thuế hai lần với Việt Nam. Với các nước không ký hiệp định thuế này, họ có thể dễ dàng tái cơ cấu để di chuyển hoặc lập cơ sở kinh doanh tại quốc gia khác để được hưởng ưu đãi thuế.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ định hướng với quản lý thu thuế sàn thương mại điện tử, nền tảng số và giải pháp xử lý.