Tôi mắc bệnh tiểu đường type 2 nhưng rất thích uống nước thanh nhiệt từ quả la hán. Nhiều người cho rằng vị ngọt từ loại quả này sẽ làm tăng chỉ số đường huyết. Liệu điều này có đúng không? (Quang Huy, Hà Nội)
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, tư vấn:
La hán quả được chế biến thành nhiều dạng chế phẩm hay bán ở dạng quả khô để dùng pha nước giải khát. Do trong quả có các saponin tritecpen có vị ngọt đặc biệt cao, vị ngọt tự nhiên gấp 3-4 lần đường mía mà lại ít calo, nên quả la hán rất phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường.
Quả la hán có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây cũng là vị thuốc Đông y nhiều công dụng. Theo y học cổ truyền, quả la hán vị ngọt, tính mát, không độc đi vào hai kinh phế và tỳ. Quả có công dụng giúp nhuận phế, lợi hầu, giải khát, nhuận tràng thông tiện.
Do đó, quả la hán được sử dụng trong trường hợp cảm sốt, viêm khí quản, ho gà, lao phổi gây ho, viêm họng, mất tiếng, ho nhiều đờm, táo bón, bệnh tiểu đường. Trà la hán rất thích hợp với ai bị nóng trong người.
Nghiên cứu gần đây cho thấy la hán cũng có tác dụng chống ung thư, kháng khuẩn, chống viêm, chống lão hóa.
Một số bài thuốc trị bệnh từ quả la hán khá dễ làm. Cụ thể như sau:
Bài thuốc trị viêm họng: Sử dụng quả la hán, thái nhỏ rồi hãm với nước sôi. Người bị viêm họng uống nước này thay cho nước uống hằng ngày.
Trị khàn tiếng: Lấy một quả la hán, thái nhỏ từng miếng đem đi sắc lấy nước uống 2 đến 3 lần trong ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít.
Chữa táo bón: Lấy quả la hán sắc nước rồi pha thêm chút mật ong uống trong ngày.
Hỗ trợ điều trị bệnh lao: Hầm 60g la hán với 100g thịt lợn nạc, dùng cùng với bữa ăn hằng ngày. Bài thuốc này có công dụng bổ phế, hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh lao.
An thần dễ ngủ: Lấy 1 quả la hán phơi khô và 25g hoa cúc nấu cùng 1,5 lít nước đun sôi, để nguội và sử dụng.