Washington, hôm 14/6, xác nhận đã cử một quan chức ngoại giao cấp cao tới Triều Tiên để đảm bảo việc trả tự do cho sinh viên người Mỹ Otto Warmbier vì lý do nhân đạo.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Lim Sung Nam tại Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Shannon cho biết, Joseph Yun - đặc phái viên của Mỹ về chính sách Triều Tiên – chính là người đảm bảo sự an toàn cho sinh viên Warmbier.

{keywords}

Đặc phái viên Mỹ Joseph Yun.

"Ông Joe Yun đã tới Bình Nhưỡng hôm 12/6 để hộ tống Warmbier về nước", Thứ trưởng Shannon nói.

Phía Nhà Trắng thừa nhận phái viên Mỹ đã gặp gỡ các đại diện của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ở Na Uy tuần trước và sự kiện này là một phần nỗ lực đòi tự do cho những người Mỹ đang bị Bình Nhưỡng bắt giữ.

Những cuộc tham vấn trực tiếp giữa hai chính phủ Mỹ - Triều hiếm khi xảy ra.

Theo một quan chức Nhà Trắng, cuộc gặp ở Oslo có sự tham gia của Joseph Yun và tại đó, phía Triều Tiên đồng ý rằng các nhà ngoại giao Thụy Điển có thể thăm tất cả 4 tù nhân Mỹ.

Tới tuần trước, ông Yun gặp Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York. Phái viên này sau đó được cử tới Bình Nhưỡng, đi thăm Warmbier cùng với hai bác sĩ trong ngày 12/6 và yêu cầu Bình Nhưỡng thả nhân viên này.

Tối 13/6, máy bay chở Warmbier đã đáp xuống Mỹ.

Otto Warmbier là sinh viên trường Đại học Virgina, bị bắt đầu năm 2016 khi đang thăm Triều Tiên trong một tour du lịch. Đối tượng bị kết án 15 năm tù khổ sai hồi tháng 3 năm ngoái, sau khi gỡ băng rôn tuyên truyền tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng.

Warmbier được cho là đang bị hôn mê.

Chuyến đi của ông Joseph Yun diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên liên quan tới việc nước này theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Truyền thông Mỹ cho rằng, sứ mệnh của phái viên này do chính Tổng thống Trump giao phó.

Thanh Hảo