Thông tin trên được chia sẻ trong Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2022 tại TP.HCM sáng nay. 

Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, thời gian qua, công tác khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe, truyền thông phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Nhờ đó, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. 

Cụ thể, năm 2021, tuổi thọ trung bình của người dân TP là 76,2 tuổi, mức khá cao so với cả nước (73,6 tuổi). Mặc dù tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.

Tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,2 còn trung bình cả nước là 73,6 tuổi. Ảnh: Hoàng Hà

Theo đánh giá, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc tiếp cận dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn bị giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng. 

Ông Trung cho biết, trong năm 2022, TP.HCM hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch công tác dân số năm 2022 được giao. Trong đó, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 86,3%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 83,4%, hơn 577.000 trường hợp thực hiện biện pháp tránh thai và gần 450.000 người cao tuổi được lập hồ sơ khám sức khỏe định kỳ. 

Tuy nhiên, tổng tỷ suất sinh ở TP.HCM hiện ở mức rất thấp (1,39 con/phụ nữ) so với mức sinh thay thế của cả nước, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang được kiểm soát và vẫn phải nỗ lực duy trì để không tăng trở lại trong thời gian tới. 

Ông Trung cũng nhận định, công tác dân số của cả nước đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như mức sinh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh; chỉ số phát triển con người cùng với tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số".