Ngày 23/5, Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình đối thoại với sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước.

Đây là lần đầu tiên thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức đối thoại, kết nối 9.000 điểm cầu, trong đó có 13 điểm cầu Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của sinh viên trong và ngoài nước đã được nêu ra tại buổi đối thoại.

Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình đối thoại với sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước.

Tạo ra môi trường phát triển tài năng Việt

Tại điểm cầu Hà Nội, “Siêu trí tuệ Việt Nam” Hà Việt Hoàng (ĐH Bách khoa Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc làm thế nào để tạo ra môi trường phù hợp cho những sinh viên tài năng phát triển năng lực.

Theo Việt Hoàng, hiện nay, có rất nhiều sinh viên Việt Nam giành được giải thưởng, thành tích cao trong các cuộc thi khu vực và quốc tế. Do vậy, cần phải tạo ra môi trường tốt nhất để bồi đắp, hun đúc, phát huy năng lực của nhóm bạn trẻ tài năng này.

"Siêu trí tuệ Việt Nam” Hà Việt Hoàng (ĐH Bách khoa Hà Nội) đặt câu hỏi tới Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam

Chị Hồ Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho hay, điều Hội Sinh viên Việt Nam mong muốn là tập hợp những sinh viên tài năng, từ đó tạo ra nguồn cảm hứng, lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng sinh viên Việt Nam.

“Các bạn trẻ thường được thôi thúc bởi những hình mẫu phù hợp với bản thân, từ đó sẽ nỗ lực để hoàn thiện mình. Những sinh viên ưu tú, đạt các thành tích cao sẽ là “hình mẫu” lý tưởng để cộng đồng sinh viên hướng đến”, chị Nguyên nói.

Từ góc độ cá nhân, “siêu trí tuệ” Hà Việt Hoàng “hiến kế”, Hội Sinh viên Việt Nam cần có nhiều hoạt động phát huy tối đa năng lực của sinh viên ưu tú.

Bên cạnh những hoạt động trực tiếp, cần có sân chơi trên truyền hình hoặc mạng xã hội để liên kết các sinh viên từ mọi miền Tổ quốc và cả những sinh viên nước ngoài, từ đó làm tăng tính đoàn kết, giúp sinh viên được phát huy khả năng, năng lực của mình trong các hoạt động.

Sàng lọc thông tin trên không gian mạng

Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH Y Dược TP.HCM, bày tỏ trong thời đại công nghệ số, thế hệ gen Z, gen Alpha sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện rất nhiều và thích ứng nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc phải tiếp cận với quá nhiều nguồn thông tin có thể khiến sinh viên “chạm” vào những thông tin xấu, độc.

Vì thế, nữ sinh trăn trở giải pháp giúp bảo vệ sinh viên trên không gian mạng, cách thức sàng lọc thông tin, góp phần tạo ra một không gian mạng xanh, lan tỏa những điều tốt đẹp.

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam cho hay, để có kỹ năng sàng lọc thông tin trên không gian mạng, sinh viên cần có những hiểu biết về các quy định pháp luật, từ đó có hành vi ứng xử, tiếp nhận thông tin đúng pháp luật.

Ngoài ra, sinh viên cần lựa chọn cho mình những trang thông tin, luồng thông tin có giá trị, phục vụ cho công việc học tập, giải trí lành mạnh, đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Bí thư Trung ương Đoàn cũng “đặt hàng” sinh viên, ngoài việc tiếp nhận, sử dụng thông tin, sinh viên hãy là những người lan tỏa những thông tin tích cực, tạo ra không gian mạng “xanh, tích cực, bổ ích”.

Giải điểm “nghẽn” của thị trường lao động

Sinh viên Nguyễn Thị Châu Anh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM đặt câu hỏi về vấn đề việc làm cho sinh viên mới ra trường và cách trang bị năng lực đổi mới sáng tạo.

Anh Nguyễn Minh Triết cho hay, có một thực tế, sinh viên mới ra trường khi đi xin việc, các nhà tuyển dụng thường yêu cầu kinh nghiệm. Điều này gây khó khăn cho sinh viên khi chưa có nhiều điều kiện để trau dồi chuyên môn.

Để giải quyết bài toán này, theo anh Triết, sinh viên có thể bổ sung kỹ năng, kinh nghiệm thông qua môi trường hoạt động của các hội sinh viên. Đây được xem là giải pháp cho “điểm nghẽn” của thị trường lao động.

“Với nhà tuyển dụng, khi nhìn vào hồ sơ của một ứng viên đã tham gia tích cực trong các phong trào, chương trình, cuộc thi, dù đoạt giải hay không, cũng sẽ có đánh giá tích cực.

Điểm cộng của những ứng viên này là sự sáng tạo, chịu khó cọ xát. Đây cũng sẽ là những trải nghiệm giúp sinh viên trau dồi thêm kỹ năng, đáp ứng những đòi hỏi của thị trường lao động”.

Mặt khác, theo Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam, môi trường hoạt động của hội sinh viên cũng là nơi “cho phép sinh viên sai và sửa sai, được học hỏi thêm kinh nghiệm, từ đó bổ trợ cho con đường lập thân, lập nghiệp, dù ở môi trường lao động trong nước hay quốc tế”.