Dịch bệnh bào mòn nguồn dự trữ, tích lũy
Ủy ban Xã hội thấy rằng: Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới người dân, người lao động. Dịch bệnh đã bào mòn nguồn dự trữ, tích lũy của người lao động, đẩy người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khủng hoảng. Ảnh hưởng của đợt dịch đầu tiên đã bắt đầu cho thấy hậu quả nặng nề khi số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần những tháng đầu năm 2021 tăng cao.
Cụ thể, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần 5 tháng đầu năm 2021 (399.939 người) tăng 25% so với 5 tháng đầu năm 2020 (319.202 người).
Tình hình lao động và việc làm 6 tháng năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp, dịch bệnh đã tác động mạnh đến chuỗi sản xuất, kinh doanh, nguồn lực về lao động, đặc biệt đã tác động nặng nề tới chiến lược và phương hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh thành khác thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 dẫn đến số lượng lao động phải tạm ngừng việc rất lớn; số lượng doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ổn định từ 5 năm trở lên phải đăng ký tạm ngừng kinh doanh có xu hướng tăng.
"Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường khi xuất hiện nhiều biến thể mới như hiện nay và chưa đủ nguồn vắc xin đủ tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ còn phải chịu tác động lớn và phải mất nhiều thời gian để khôi phục", Ủy ban đánh giá.
Cảnh hồi sinh khu công nghiệp ở Bắc Giang giữa tâm dịch Covid-19. Ảnh: Đoàn Bổng |
Còn chậm
Với Nghị quyết 42 đề xuất các gói hỗ trợ khoảng 61.580 tỷ đồng vào năm 2020, Ủy ban cho rằng: Gói hỗ trợ bằng tiền mặt chỉ thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, bằng 36,5% quy mô gói hỗ trợ.
Còn gói hỗ trợ với quy mô 16.200 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.
Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với ước tính quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng, đến nay đã nhận và giải quyết cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.
Như vậy, theo Ủy ban, việc thực hiện chính sách không đạt được như kỳ vọng khi ban hành chính sách, số đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân thấp, chậm và không kịp thời. Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng này …
Bên cạnh đó, một số quy định để hướng dẫn thực hiện còn cứng nhắc, chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện.
"Mặc dù đã được khắc phục kịp thời, song tại một số địa phương vẫn để xảy ra số ít hiện tượng lợi dụng chính sách, lập danh sách trùng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo không đúng tiêu chí đối tượng", Ủy ban lưu ý.
Bình luận về gói chính sách hỗ trợ đặc thù với quy mô 26.000 tỷ đồng tiếp tục được ban hành mới đây tại Nghị quyết 68, Ủy ban cho rằng: Tính đến ngày 14/7/2021, đã có 33 địa phương báo cáo Kế hoạch hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68. Một số tỉnh, thành phố đã có kế hoạch triển khai cụ thể và có chính sách hỗ trợ dành riêng cho lao động tự do như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Tuy nhiên, theo Ủy ban, vẫn còn địa phương triển khai tương đối chậm, trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 cho người dân, thì cũng có địa phương mặc dù đã trải qua hai lần tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong vòng một tháng qua chưa ban hành được kế hoạch thực hiện.
Ủy ban lưu ý đối với các chính sách liên quan đến Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Cần phải có sự thống kê, theo dõi cụ thể đối với từng trường hợp, có dự báo sớm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tránh tình trạng việc triển khai hỗ trợ làm ảnh hưởng tới việc bảo toàn Quỹ, không bảo đảm được quyền lợi của người lao động.
Trong quá trình triển khai chính sách, Ủy ban Xã hội cho rằng cần lưu ý tới nhóm đối tượng bị cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, về cơ bản nhóm đối tượng này cũng gặp khó khăn như cách ly tập trung và trong khu vực phong tỏa. Ủy ban cho rằng cần cân nhắc thêm việc có cơ chế hỗ trợ cho các địa phương, nhất là với các địa phương không tự cân đối được ngân sách để bảo đảm mọi đối tượng đủ điều kiện đều có thể tiếp cận được gói hỗ trợ để ổn định cuộc sống.
Ủy ban xã hội đề nghị Chính phủ cân nhắc các hình thức hỗ trợ khác cho phù hợp ngoài hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt như hỗ trợ thông qua phiếu mua hàng; phiếu giảm giá đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng Việt Nam; hỗ trợ gạo và một số thực phẩm thiết yếu cho vùng dịch từ nguồn dự trữ Quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu có chính sách phù hợp đối với người lao động khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
|
Lương Bằng
Bộ trưởng, chuyên viên 'vừa chạy vừa xếp hàng' đưa gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đến tay dân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: Cơ quan nào, địa phương nào chậm triển khai gói hỗ trợ là có lỗi với dân; để trục lợi chính sách là có tội với dân.