Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng mặt trời dự kiến sẽ chiếm lĩnh thị trường điện toàn cầu trong vài thập kỷ tới. Hiện 3/4 công suất năng lượng tái tạo là điện mặt trời. Theo Bloomberg, năm nay các công trình năng lượng mặt trời sẽ tăng thêm 25%, bổ sung thêm hơn 500GW công suất.

Một rào cản lớn của năng lượng mặt trời là cần nhiều không gian. Để sản xuất ra 1MW công suất cần ít nhất hơn 20.200m2, một dự án 200MW (khoảng 3.000 tấm pin) cần không gian như 550 sân bóng bầu dục Mỹ. Đó là lý do mà Trung Quốc tận dụng diện tích các vùng sa mạc xa xôi để lắp đặt điện mặt trời. 

Để giảm thiểu việc chiếm diện tích mặt bằng, các kỹ sư đã tận dụng các hạ tầng hiện có để lắp đặt điện mặt trời.

Nhà để xe

Bãi đậu xe và nhà để xe cần nhiều không gian. Ben Jones, Phó chủ tịch thiết kế và kỹ thuật của DSD Renewables trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết việc lắp thêm mái che năng lượng mặt trời có thể tạo bóng râm, an toàn và sạc cho xe điện. 

DSD đang thực hiện lắp thêm mái che năng lượng mặt trời cho 16 bãi đậu xe và nhà để xe tại Đại học Rutgers ở New Jersey và đã lắp đặt gần 200MW dự án mái che trên khắp nước Mỹ kể từ khi thành lập năm 2019.

Jones cho biết, các dự án mái che sử dụng đất hiệu quả và đóng góp vào mục tiêu năng lượng tái tạo của công ty hoặc thành phố. 

bai xe nang luong mat troi.jpg
Bãi đỗ xe có mái che là tấm năng lượng mặt trời. Ảnh: SolarEgde

Sân golf đã đóng cửa

Các sân golf đóng cửa có thể là địa điểm lý tưởng cho các trang trại năng lượng mặt trời. Tại Calverton, Long Island, sân golf Calverton Links là nơi có dự án năng lượng mặt trời công suất gần 23MW được khánh thành vào năm 2022, sau khi sân golf đóng cửa. 

Theo các chuyên gia, sân golf (đã đóng cửa) phù hợp với các dự án năng lượng mặt trời bởi mức giá đầu tư hợp lý và gần với cơ sở hạ tầng lưới điện. Ngoài ra, chủ đầu tư cần ít công sức để khai hoang đất và địa hình tương đối bằng phẳng. Đồng thời giải quyết vấn đề tại các sân golf này là từng tiêu tốn tài nguyên nước và làm suy yếu đa dạng sinh học.

san gol d.jpg
Sân golf Calverton Links. Ảnh: Riverhead

Nổi trên mặt nước

Để hạn chế tốn tài nguyên đất đai, nhiều quốc gia đang thử nghiệm các trang trại năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước. Mặc dù chi phí có thể cao hơn 40% so với trên đất liền nhưng mặt nước có bề mặt bằng phẳng, khả năng tiếp xúc ánh sáng mặt trời liên tục. 

Hàng trăm dự án điện mặt trời nổi đã được dựng trên các hồ khắp thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Colombia, Israel và Ghana,… Dự án năng lượng mặt trời nổi lớn nhất Mỹ  đã đi vào hoạt động tại New Jersey, cung cấp điện cho 1.400 ngôi nhà.

Tại Trung Quốc, một trang trại năng lượng mặt trời nổi khổng lồ ở Hoài Nam, tỉnh An Huy, với hơn 500.000 tấm pin, tạo ra điện cho hơn 100.000 ngôi nhà. Dự án gồm các tấm pin có kích thước bằng 400 sân bóng đá, trên mặt hồ nhân tạo từ một mỏ than cũ.

dien mat troi noi.jpg
Dự án điện mặt trời nổi. Ảnh: ATT

Các bãi chôn lấp, mỏ ngừng hoạt động

Thomas Byrne, giám đốc điều hành của công ty năng lượng tái tạo CleanCapital, cho biết: “Thật là một câu chuyện tuyệt vời. Những khu vực này thường không còn giá trị nhưng lại trở thành cung cấp năng lượng cho tương lai”. CleanCapital đang vận hành hệ thống điện mặt trời 300MW trên một nhà máy thép cũ ở Buffalo, New York.

Tại Mỹ, Đạo luật giảm lạm phát được thông qua vào năm 2022 bao gồm các ưu đãi cho các công ty xây dựng các dự án điện mặt trời trên các bãi đất hoang, bãi chôn lấp và các nhà máy công nghiệp đã ngừng hoạt động. Cơ quan Bảo vệ Môi trường nước này đã đưa ra một chương trình để thúc đẩy và hỗ trợ những hoạt động chuyển đổi này.

"Đó là không gian chết và không thể xây dựng được, nếu không thì bạn cũng có thể xây dựng một trang trại điện mặt trời", Jones tại 

Tại Mỹ, chủ đầu tư DSD đã xây dựng trang trại điện mặt trời công suất 4,3MW trên một bãi chôn lấp vào năm ngoái tại Bethel, New York. Hơn một nửa lượng điện được tạo ra cung cấp cho cư dân và doanh nghiệp địa phương. Hay như ở Massachusetts, 92 trang trại năng lượng mặt trời xây dựng trên các bãi chôn lấp đã đóng cửa, tổng công suất 256MW.