Bệnh nhân đến khám tại phòng khám Tai Mũi Họng thuộc Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân kể từng được chẩn đoán chảy mũi do viêm mũi xoang, điều trị kháng sinh, kháng viêm, thuốc xịt tại chỗ nhưng bệnh không thuyên giảm.
Bác sĩ sử dụng ống mềm nội soi bước sóng ngắn, phát hiện vật thể sống trong hốc mũi là con đỉa dài khoảng 6cm đang di chuyển trong mũi trái bệnh nhân. "Một tuần sau khi được gắp dị vật ra khỏi mũi, người bệnh đã hết hẳn triệu chứng chảy máu cam và đau nhức mũi", PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cho biết vào ngày 13/4.
Vị chuyên gia cho hay, dị vật trong mũi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí sớm. Trường hợp dị vật sống (như đỉa) trong mũi khá hiếm gặp nên dễ bị bỏ qua nếu không thăm khám kỹ.
Lý giải nguyên nhân khiến đỉa sống trong mũi thường gây hiện tượng chảy máu mũi đỏ tươi, bác sĩ Đào cho biết loài ký sinh trùng này có giác hút và hút máu các loài động vật để sống. Khi hút máu, đỉa sẽ tiết ra chất chống đông máu khiến máu khó cầm.
Người thường xuyên sử dụng nước suối sinh hoạt là điều kiện thuận lợi cho dị vật sống là đỉa chui vào cơ thể.
Bác sĩ lưu ý, nếu sống vùng núi hoặc đi chơi ở khu vực núi rừng, có biểu hiện một bên mũi chảy máu đỏ tươi, nghẹt mũi, chảy dịch, cảm giác nhột trong mũi, đau nhức mũi, có thể là dấu hiệu dị vật sống (như đỉa) trong mũi.
Đỉa ký sinh trong cơ thể thời gian dài sẽ hút máu để sống, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe vật chủ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu máu,... Đỉa ký sinh ở mũi người bệnh thậm chí có thể di chuyển đến khí quản, phế quản, gây ho ra máu, đau đớn, khó thở.
Dị vật sống trong mũi có những triệu chứng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm mũi dị ứng - viêm mũi xoang. Khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên tới thăm khám và điều trị bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín. Việc tự sử dụng thuốc hay cố gắng dùng các dụng cụ tự phát để tự tìm, tự lấy dị vật có thể gây biến chứng nguy hiểm.