Theo CNN, trong ngày 5/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết, đất nước của ông đã chính thức "vỡ nợ", và đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến hàng triệu người phải vật lộn mua những mặt hàng thiết yếu.

Ông Wickremesinghe cho biết, hiện quốc gia 22 triệu dân này đang tiến hành đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ, nhưng tình hình không mấy "suôn sẻ", bởi họ phải đàm phán với tư cách một nước phá sản, không phải một nước đang phát triển.

"Do tình trạng vỡ nợ của đất nước, Sri Lanka phải đưa ra được một kế hoạch giãn nợ khả thi mới được nhận cứu trợ. Chỉ khi IMF chấp thuận kế hoạch này, chúng tôi mới có thể đạt được một thỏa thuận sơ bộ, đây là một quá trình không hề dễ dàng", ông Wickremesinghe chia sẻ.

Thủ tướng Sri Lanka cũng hi vọng, sau khi đạt được thỏa thuận sơ bộ với IMF, quốc gia này có thể thương thảo với các chủ nợ để xin tạm dừng trả nợ cho đến khi đất nước ổn định lại.

Sri Lanka vỡ nợ do phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay nước ngoài. Ảnh: ABC

Hiện tại, lạm phát tại quốc gia Nam Á này đã chạm mức 54,6% vào tháng 6, buộc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka phải tăng lãi suất trong lần công bố chính sách tiếp theo (dự kiến vào ngày 7/7) để kiềm chế sự leo thang của giá cả. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, việc tăng lãi suất sẽ có ít tác động trong việc kiềm chế giá cả tăng phi mã.

Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch (59,2% GDP - bao gồm du lịch, khai thác cảng biển), Sri Lanka lâm vào khủng hoảng khi đại dịch Covid-19 nổ ra, dự trữ ngoại hối của quốc gia này giảm đi 2/3, khiến chính phủ phải tiếp tục dựa vào các khoản vay ngoại tệ để chi tiêu. Đi kèm với đó là những vấn đề toàn cầu như chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine hay khủng hoảng lương thực, khiến giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh và lạm phát vọt lên mức cao nhất lịch sử.

Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng vỡ nợ của Sri Lanka là chính sách sai lầm về nông nghiệp. Quốc gia Nam Á này vốn tập trung vào các cây trồng xuất khẩu như trà, cà phê và cao su, nhưng vào tháng 4 năm ngoái, một lệnh cấm nhập khẩu phân bón đã được đưa ra. Chinh sách này nhanh chóng thất bại và bị hủy bỏ vào tháng 11, nhưng hậu quả là sự suy giảm sản lượng nông nghiệp chưa từng thấy, biến Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo thành nước nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài.

Đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong lịch sử, Sri Lanka hiện gần như hoàn toàn không còn xăng dầu và chính phủ buộc phải ra lệnh ngừng các dịch vụ công không thiết yếu nhằm tiết kiệm nhiên liệu.

Việt Dũng