-Hiện nay người tiêu dùng không còn xa lạ gì với những quảng cáo rao bán nhà chung cư. Hàng loạt những "mỹ từ" được các nhà đầu tư sử dụng để mô tả về chất lượng nhà chung cư như "đẳng cấp vượt trội", "vị trí đắc địa", "căn hộ đẳng cấp", "cuộc sống trong mơ"... nhưng thực chất chất lượng cuộc sống không ít những chung cư cao cấp lại khiến người dân phải ngao ngán.
Hàng xịn đua nhau bị lỗi
Không chỉ nổi tiếng là tòa nhà cao nhất Hà Nội, Keangnam Vina (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) còn bị nhiều khách hàng tố vì chất lượng không đúng với mác “cao cấp”. Tòa nhà Keangnam có thời điểm nước lênh láng tràn cả vào bên trong do trời mưa, đặc biệt thang máy phải ngừng hoạt động để chờ sửa chữa do… ngập nước.
Thời điểm mới bàn giao nhà, chung cư đã xảy ra sự cố. Tại cầu thang máy số 1 của tòa nhà A, tòa nhà Keangnam nước lênh láng tràn cả vào bên trong. Ống dẫn nước của một hộ trên tầng 23 bị vỡ khiến cho nước rỉ xuống các tầng dưới, đặc biệt chảy cả vào thang máy. Sau khi nước chảy vào thang máy, thang máy đã được ngừng hoạt động để chờ sửa chữa.
Không chỉ có ở tòa nhà Keangnam, hàng chục hộ dân sống tại chung cư The Manor – Khu đô thị mới Mỹ Đình cũng đã từng bị mất nước trong vài ngày, nguyên nhân mất nước được cho là do sự cố nổ trạm biến áp gây mất điện diện rộng tại quận Cầu Giấy đã khiến cho việc cung cấp nguồn nước sạch tới các hộ dân bị ảnh hưởng.
Quảng cáo là cao cấp nhưng chất lượng chung cư Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) lại không hề cao với hàng loạt những lùm xùm được người dân ở đây phản ánh trước đây như hệ thống nước nóng lạnh bị trục trặc. Nguyên nhân là do chủ đầu tư thiết kế hoặc thi công không tốt, Đường nước nóng nhưng lại dùng ống dẫn quá to, dẫn đến hiện tượng trên.
Nhà vệ sinh và nhà tắm, sau một thời gian sử dụng có mùi hôi do cống từ dưới bốc lên. Có những căn hộ đã bị hiện tượng này ngay từ khi mới nhận nhà. Các cánh cửa cũng được làm rất ẩu. Cửa không khít nên gió vào gây nên những tiếng kêu khó chịu.
Nhắc đến chất lượng chung cư cao cấp nhưng không “cao cấp” thì không thể không nhắc đến Goldenland Building ( 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân). Đây là dự án đầu tay của Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt thuộc Tập đoàn Tài chính Hoàng Huy.
Chủ đầu tư dự án từng quảng cáo đây là tổ hợp căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại có tổng số vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Được xây dựng trên khu đất rộng 23.390 m2, tổ hợp gồm 5 tòa nhà cao từ 25 đến 33 tầng thiết kế theo phong cách châu Âu hiện đại bởi một công ty hàng đầu của Pháp.
Chủ đầu tư còn nhiều lần quảng cáo, trên nóc mỗi tòa nhà tại dự án Golden Land sẽ có bãi đỗ trực thăng phục vụ cho việc cứu hỏa, cứu hộ, được mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy, có hạng mục bể bơi, chất lượng công trình được ví như biệt thự trên không... Vào năm 2011, khi thị trường nóng sốt, căn hộ hoàn thiện tại đây từng được bán với giá 35-37 triệu đồng một m2.
Một cư dân sống tại tầng 11 tòa C cho hay, cách đây không lâu chị đã yêu cầu ban quản lý tòa nhà kiểm tra hệ thống báo cháy và được trả lời “đợi nhà cung cấp đến sửa chữa” nhưng đến nay đã gần một tháng vẫn chưa có “đơn vị cung cấp” nào đến khiến gia đình phải tự mua một thiết bị báo cháy mới.
Thiết bị báo cháy do chính người dân tự mua để đảm bảo PCCC |
Nhắc đến chất lượng chung cư này, anh Đức Anh ( phòng 1608 nhà A) không giấu được bức xúc của mình. “Đây đúng là kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Toàn bộ những hành lang ở tòa A đều không có hệ thống thông gió hành lang, nhà anh lại ngay cạnh cửa thả rác của tầng nên lúc nào cũng trong tình trạng mùi hôi, thối nồng nặc. Cả một năm nay chủ đầu tư đã hứa làm nhưng không có sửa chữa gì” – Anh Đức Anh bức xúc chia sẻ.
Không chỉ là việc hệ thống thông gió, anh Đức Anh dẫn PV đi xem hàng loạt những vấn đề mà đáng lẽ không tồn tại ở một chung cư cao cấp.
Không hiểu sao với hình ảnh này mà tòa nhà vẫn được nghiệm thu PCCC Chân cửa phòng đổ rác được “gia cố” thêm do sai kích thước cửa trông nhếch nhác, bẩn thỉu |
Bên cạnh chất lượng căn hộ, các cư dân còn tố chủ đầu tư đã thay đổi một số thiết kế trong tòa nhà như chủ đầu tư đã tự ý cắt giảm ở mỗi tòa nhà A, B, C từ 6 tháng máy xuống còn 5 thang, không giống như quảng cáo ban đầu, cố tình thu hẹp hành lang khi chưa được phép để làm tăng diện tích căn hộ.
Trước đây, trong quảng cáo, đại diện Tập đoàn Hoàng Huy nhiều lần nhấn mạnh vào các hạng mục "có một không hai" như bãi đỗ trực thăng trên nóc tòa nhà phục vụ việc cứu hỏa, cứu hộ, bể bơi cao cấp... “Đến nay hạng mục bãi đỗ trực thăng chả thấy đâu. Còn muốn bơi thì phải mua cả vé tập thể hình thì mới được bơi” – một cư dân cho hay.
Những “ngôi sao” núp trong … ngõ nhỏ
Dự án 283 Khương Trung cũng được chủ đầu tư là CTCP Đầu tư thiết kế và Xây dựng (VIDEC) truyền thông rầm rộ về những ưu thế vị trí của dự án như gần các trường học lớn, bệnh viện, TTTM lớn, UBND phường Khương Trung…
Với quảng cáo có lợi thế nằm ở trung tâm quận Thanh Xuân, mức giá chào bán khoảng 23-24 triệu đồng/m2, VIDEC đã mở bán khá thành công 2 tòa A, B của dự án này. Đến tòa chung cư thứ 3 với tên gọi Star Tower, chủ đầu tư đã tăng giá bán lên 25 - 28 triệu đồng/m2.
Nhưng theo nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết: “Con phố Khường Trung này rộng chỉ có 4m chiều ngang ngày thường còn tắc, chả hiểu đến khi dân ở đây vào ở thì còn tắc thế nào”.
Cũng nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân và được giới thiệu là một dự án có vị trí trung tâm quận, gần hàng loạt trường đại học lớn và các trung tâm thương mại lớn. Với giá bán khoảng 20 triệu đồng/m2, Dự án Diamond Blue đã tạo được thu hút mạnh mẽ.
Thế nhưng trên thực tế, Dự án Diamond Blue lại nằm sâu trong con phố Triều Khúc chật hẹp, mật độ giao thông rất lớn cùng với đó là một trường Đại học nằm ngay giữa con phố, lúc nào cũng đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông. Khi dự án hoàn thành, cư dân chuyển về sinh sống càng gây áp lực giao thông đến con phố nhỏ này.
Với những lời quảng cáo như: dự án HongKong Tower là dự án thuộc quận nội thành “duy nhất” có chiều cao lên đến 23 -27 tầng, lại nằm ngay đường Đê La Thành, rất thuận tiện giao thông, dự án HongKong Tower liên tục bị hét giá lên cao.
Thậm chí dự án được chủ đầu tư tự tin phát triển theo tiêu chí dự án cao cấp và được đơn vị phân phối mở bán ra thị trường với giá dao động từ 35-40 triệu đồng/m2.
Thực chất, dự án lại nằm sâu trong một con hẻm trên đường Voi Phục, sát vách trường Đại học Giao thông vận tải và nằm sau dự án tòa nhà văn phòng Icon4. Vị trí này khiến cho các căn hộ dự án HongKong Tower không thể nhìn thấy công viên Thủ Lệ như quảng cáo. Mặt khác, với lối đi “độc đạo này”, dự án HongKong Tower có thể sẽ gặp nhiều vấn đề về giao thông sau khi cư dân đã chuyển về đây sinh sống.
Tại Hà Nội, trước đó cũng có nhiều dự án chung cư với quảng cáo giới thiệu hạ tầng và tiện ích của khu vực để dễ dàng bán căn hộ với giá cao. Thế nhưng, khi dự án hoàn thành, cư dân về sinh sống đã khiến hạ tầng khu vực trở nên quá tải.
Điển hình là dự án chung cư cao cấp Sky City 88 Láng Hạ xung quanh là mật độ dân cư đông đúc và ngõ vào dự án nối trực tiếp với đường Láng Hạ. Một căn hộ ở Sky City từng được chào bán với giá khoảng 2.000 USD/m2. Thế nhưng, từ khi đi vào sử dụng, dự án không chỉ gây nhiều tai tiếng với hàng loạt những kiện cáo giữa chủ đầu tư và cư dân sinh sống tại đây mà còn “góp phần” vào việc tắc đường thường xuyên tại ngã tư Láng Hạ - Láng.
Minh Cường