Mới đây, thầy Đạo Quang ra mắt tác phẩm thứ 3 Về đi con! - Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên (NXB Thế giới và SaigonBooks ấn hành).
Chia sẻ với VietNamNet, tác giả Mộc Trầm nói: "Cuốn sách đầu tiên Lén nhặt chuyện đời được ra mắt vào cuối năm 2019, một quyển tản văn tập hợp những bài viết được mọi người yêu thích nhiều trước đó trên các mạng xã hội gồm nhiều chủ đề khác nhau như gia đình, bạn bè, tuổi trẻ… Tôi từng ví mỗi bài viết trong Lén nhặt chuyện đời là một viên charm của sợi pandora và câu chuyện của Phan - nhân vật được nhớ nhiều nhất trong sách - là viên charm buồn và đẹp nhất”.
Tác phẩm thứ hai Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười ra mắt vào năm 2020 là tập nhật ký của một người mang căn bệnh thế kỷ gửi cho đứa con trai chưa chào đời của mình, một câu chuyện có thật kể lại dưới góc nhìn của Mộc Trầm.
Còn Về đi con! - Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên là câu chuyện tác giả phải mất nhiều năm để kể lại. “Về đi con” là một lời kêu gọi, thổn thức những bước chân lang bạt. Không hẳn là một cuốn sách về gia đình, nhưng khi đọc xong, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đến gia đình.
"Một câu chuyện về tình thầy trò chốn Thiền môn, tôi muốn kể và giới thiệu đến các bạn trẻ và độc giả một loại tình cảm ít được kể, ít được nhắc đến nhưng đẹp và thiêng liêng không khác gì tình cảm của gia đình" - nhà sư Mộc Trầm bày tỏ.
Mỗi cuốn sách đều có câu chuyện riêng, có hoàn cảnh ý nghĩa riêng, mang theo hơi thở, sự chắt chiu và tâm huyết của Mộc Trầm. Lén nhặt chuyện đời là những nét bút hiên ngang và trong sáng, đầy nhiệt huyết dù đôi lúc chông chênh. Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười mang hơi thở nhẹ nhàng và sâu lắng, là dấu ấn hóa thân sâu sắc vào nhân vật đến nỗi không thể thoát vai được khi viết xong.
Về đi con! là dấu ấn của chín chắn và trưởng thành, là cái nhìn đầy thấu hiểu cho những biến cố của thanh xuân.
"Tôi biết ơn người thầy của mình đã là hơi thở đầu tiên để tôi viết nên những tác phẩm này. Mỗi quyển sách đều là một dấu ấn thật ý nghĩa và cả những câu chuyện được kể ở trong sách", nhà sư Mộc Trầm trải lòng.
Trả lời câu hỏi: Sách do thầy viết chắc sẽ dành cho Phật tử là chính?, tác giả cho rằng: "Ngay từ những ngày đầu cầm bút, các bạn trẻ luôn là đối tượng mà tôi hướng đến. Bản thân cũng là một tu sĩ trẻ, tôi biết các bạn ở cùng độ tuổi với mình đang nghĩ gì, cần gì và trải qua những gì.
Vì vậy, hơi thở trẻ trung đó có lẽ là món ăn hợp khẩu vị với các bạn nên trải qua 5 năm, tính đến thời điểm hiện tại, Lén nhặt chuyện đời đã có 7 lần tái bản với hơn 40.000 cuốn được bán ra. Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười cũng được tái bản 6 lần cùng con số tương tự. Tôi không biết nói sao để thể hiện lòng biết ơn với độc giả sau hai chặng hành trình đó. Với Về đi con!, tôi mong rằng cũng được yêu thương và đón nhận như vậy (cười)".
Tác giả nêu quan điểm, trong thời đại mọi thứ công nghệ đang phát triển vượt bậc, các bạn trẻ có quyền lựa chọn cho mình một nguồn liên lạc với tri thức. Bất kể đó là nguồn nào, chỉ cần nó có thể phục vụ cho tâm trí, giúp bạn cân bằng, tìm ra hạnh phúc đều hữu ích.
"Giới trẻ thời nay thường có xu hướng thích chữa lành. Các bạn đi du lịch, mua sắm, lao vào các cuộc chơi chỉ để thỏa mãn sau vài áp lực nhỏ. Nó chỉ là một dopamine tạm thời mà không có tác dụng lâu dài. Tâm trạng hỗn độn và bức bí trong tâm vẫn còn đó.
Đọc sách là cách để đối thoại với chính mình, ngắm nhìn và trò chuyện với bản thân tốt nhất. Các bạn sẽ gặp gỡ chính mình ở đâu đó trên bất kỳ trang sách nào, đối diện và rung động với chính câu chuyện của mình, rồi chấp nhận, mở lòng và tha thứ. Tha thứ mới thực sự là cách chữa lành tốt nhất. Hệt như lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp cú rằng dùng từ bi để diệt trừ thù hận", nhà sư Mộc Trầm phân tích.
"Có nhiều lý do để các bạn tìm đến sách, hoặc có thể hiện tại có những bạn vẫn chưa tìm được quyển sách mình cần. Nhưng bạn sẽ bắt đầu yêu sách khi bắt gặp câu chuyện của chính mình trên một dòng hay một trang nào đó. Tôi chỉ mong nếu các bạn đang loay hoay cho những câu hỏi đặt ra trong cuộc đời mình và đang đi tìm cách giải quyết, hãy tìm đến sách. Nhất định, sẽ có một trang nào đó dành cho bạn", tác giả nhắn nhủ đến bạn đọc trẻ.