Lan toả nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL được phê duyệt triển khai tại tỉnh Bạc Liêu là Tiểu dự án 10. Tiểu dự án này đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu.

Tiểu dự án 10 với hai hợp phần lớn là phần công trình và phi công trình. Đây là điều kiện thuận lợi góp phần nâng cao nhận thức của người nuôi tôm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, hạn chế tổn thương do hạn hán, xâm nhập mặn và tác động bất lợi của BĐKH. Đặc biệt, thông qua các ứng dụng, giải pháp tổng hợp để phát triển, sử dụng bền vững và có hiệu quả hệ sinh thái nước lợ.

Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm 

Dự án MD-ICRSL đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất và nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng tại tỉnh Bạc Liêu. Thông qua dự án, nhiều mô hình sinh kế đã được lan toả rộng rãi như: mô hình nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) sử dụng cá rô phi xử lý nước; nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, bán thâm canh hướng tới chứng nhận ASC; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp cua, cá theo hướng sinh thái... ở huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. 

Ông Cao Hoàng Khởi, ấp Bửu 1, xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những hộ dân tham gia mô hình sinh kế do dự án ICRSL hỗ trợ. Ông cho biết, khi tham gia mô hình trình diễn, ông được nhận hỗ trợ chi phí 50% các vật tư thiết yếu như tôm giống, vi sinh, khoáng vi lượng, men tiêu hóa, vitamin... hỗ trợ sửa chữa chòi canh, nhà kho, thiết bị đo môi trường, hỗ trợ 10% thức ăn với tổng giá trị dự án hỗ trợ là hơn 48 triệu đồng. 

Sau thời gian nuôi 75 ngày, gia đình ông thu hoạch hơn 2.900 kg tôm thẻ chân trắng, cỡ tôm thu hoạch 60 con/kg, giá bán 97.000 đồng/kg. Với doanh thu 282 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Khởi còn lãi hơn 152 triệu đồng. 

Còn hộ ông Đỗ Hải Đăng, ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Thịnh (huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) tham gia dự án, thực hiện mô hình trình diễn tôm sú thâm canh, bán thâm canh. Với thời gian nuôi 155 ngày, gia đình ông Đăng thu hoạch hơn 1.500 kg tôm sú, cỡ tôm thu hoạch 25 con/kg, giá bán 245.000 đồng/kg, doanh thu hơn 367 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí, hộ gia đình ông Đăng còn lãi hơn 237 triệu đồng. 

Hướng đến phát triển bền vững

Theo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, dự án MD-ICRSL hướng vào đầu tư để phát triển mô hình sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt hiệu quả cao và bền vững, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để thực hiện các mô hình sinh kế; tập trung nhân rộng loại hình.

Với mô hình tôm sú, mật độ 20 con/m2, tôm thẻ chân trắng 60 con/m2 theo hướng bền vững, hạn chế tối đa rủi ro do bệnh dịch, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế chung của các nông hộ nuôi tôm ở các vùng dự án triển khai.

Tham gia dự án cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người sản xuất làm nền tảng cho việc nhân rộng mô hình nuôi tôm theo hướng bền vững, hướng đến nuôi tôm đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và quốc tế (VietGAP, ASC, ...) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp cua, cá theo hướng sinh thái mang lại hiệu quả cao tại Bạc Liêu

Từ đó, chương trình đã giúp nhiều nông dân nuôi tôm thành công hơn, thu nhập được cải thiện hơn. Trước khi triển khai dự án, số hộ có lãi trong vùng chiếm tỷ lệ 45-50% hộ nuôi; sau khi dự án triển khai, số hộ có lãi chiếm 65-70%; lợi nhuận trung bình từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm, với mức này đã tăng 20 - 30% so với trước khi triển khai dự án. 

Đại diện Chi cục Thủy sản Bạc Liêu đánh giá, với tỉnh Bạc Liêu, dự án ICRSL đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất và nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng. Qua việc triển khai dự án đã tạo sinh kế bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc khai thác quản lý và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Ngoài ra, dự án cũng đã đầu tư nhiều công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh cho người dân các xã ven biển của tỉnh Bạc Liêu.

Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL bắt đầu triển khai từ năm 2016 - 2022, đến nay đã đạt được những kết quả rất tích cực, giúp nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Các loại hình sinh kế của dự án đã chứng minh có thể là giải pháp thay thế cho các loại hình sinh kế truyền thống mà vẫn đem lại lợi nhuận cho người dân. 

Đào Nguyên